20 năm nỗ lực vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo
Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời là công cụ tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh những năm qua đã không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH tỉnh đạt hơn 6.172 tỷ đồng, tăng gấp 59,4 lần so với khi mới thành lập. Cụ thể, nguồn vốn Trung ương chuyển về hơn 5.207 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 84,4% tổng nguồn vốn tại đơn vị), vốn huy động theo lãi suất thị trường được Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất 601,8 tỷ đồng (chiếm 9,8%), nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương hơn 363 tỷ đồng (chiếm 5,9%).
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất của hộ vay vốn tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. |
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (hộ nghèo từ Ngân hàng phục vụ người nghèo; giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước và cho vay học sinh, sinh viên nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương), đến nay, quy mô hoạt động mở rộng và chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại Đắk Lắk được nâng lên. Trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách. Những năm qua, nguồn vốn đã được giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền gần 17.995 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân hơn 899,7 tỷ đồng/năm (40.159 lượt hộ). Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 6.154 tỷ đồng, tăng gần 6.089 tỷ đồng, gấp 94 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm 28%. Hiện có trên 160.000 hộ đang dư nợ, trong đó, dư nợ của hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 2.263 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng dư nợ.
Trong 20 năm qua, 803.186 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn; 87.509 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; thu hút tạo việc làm cho 37.840 lao động; xây dựng được 139.491 công trình nước sạch và 135.641 công trình vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; xây được 19.437 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở; 1.616 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 263.770 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 27% xuống còn 10%, giai đoạn 2011 - 2015 từ 20,82% xuống còn 6,01%, giai đoạn 2016 - 2020 từ 19,39% xuống 6,34% (theo số liệu hộ nghèo tiếp cận đa chiều mới).
Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp kiểm tra thực tế sử dụng vốn của hộ vay tại xã Ia Rvê. |
Theo ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk, yếu tố quyết định sự thành công trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh chính là sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác phối hợp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW, công tác tín dụng chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Thực tế chứng minh, nguồn vốn cho vay đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở vùng nông thôn, là động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đến nay về cơ bản, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận tín dụng chính sách, từ đó càng thêm củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đối với chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng ủy thác cho vay, hoạt động của điểm giao dịch tại xã, tổ tiết kiệm và vay vốn; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường vai trò của chủ tịch UBND cấp xã tham gia xác nhận đối tượng đủ điều kiện vay vốn làm cơ sở để NHCSXH cho vay và tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát tín dụng chính sách tại cơ sở; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình sử dụng vốn của người vay…
Tuy nhiên, để công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao hơn, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần xem xét cho các xã không còn thuộc khu vực II, khu vực III giai đoạn 2021 - 2025, xã về đích nông thôn mới, xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được thụ hưởng chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đến hết năm 2025 và nâng mức cho vay đối với chương trình này từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ; tăng mức cho vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình; cân đối, bố trí đủ nguồn lực hằng năm cấp cho Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của người lao động, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Về phía địa phương, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố hằng năm bổ sung tăng thêm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc