Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Tập trung nâng cao chất lượng kinh tế tập thể

08:11, 20/09/2022

Nhận thức rõ tầm quan trọng kinh tế tập thể, hai năm trở lại đây, người dân huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh liên kết với nhau, tạo chuỗi giá trị, tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Để thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từ năm 2021, người dân thôn Ea Duất (xã Ea Wer) đã chủ động liên kết với nhau, thành lập Hợp tác xã (HTX) Heo rừng Buôn Đôn, với 7 thành viên, chăn nuôi khoảng hơn 100 con heo sinh sản, cung cấp heo giống cho thị trường.

Các thành viên đều tự đầu tư trồng ngô, cỏ voi… để có nguồn thức ăn dự trữ quanh năm cho đàn heo. Nhờ vậy khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc phát triển chăn nuôi của HTX không bị ảnh hưởng. HTX thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, giúp con giống phát triển khỏe mạnh, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.

Trung bình mỗi năm HTX bán khoảng 1.500 - 2.000 con heo giống, với giá hơn 1,5 triệu đồng/con, đã mang lại nguồn thu lớn và lợi nhuận cao cho các thành viên HTX. Đồng thời, đơn vị cũng ký kết với HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) và liên kết với hai trại chăn nuôi heo rừng tại tỉnh Hưng Yên để cung ứng, bao tiêu sản phẩm, thuận lợi cho việc cung ứng con giống ra thị trường các tỉnh phía Bắc.

Mô hình liên kết phát triển của tổ hợp tác trồng ớt hữu cơ (xã Ea Wer).

Theo ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX Heo rừng Buôn Đôn, nhờ liên kết phát triển sản xuất, việc chăn nuôi của HTX rất thuận lợi, đáp ứng được những đơn hàng lớn cho khách hàng, từng bước xây dựng được uy tín, thương hiệu và trở thành địa chỉ tin cậy về con giống chất lượng được nhiều người biết đến. Với sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, bên cạnh cung cấp con giống, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm heo thịt và tiếp tục hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để tập trung mở rộng chuồng trại, quy mô chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm chủ lực của địa phương có sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ rộng mở. Đồng thời, tăng cường thêm số lượng thành viên tham gia vào HTX, tạo sự liên kết bền vững, mang lại hiệu quả trong chăn nuôi.

Với tinh thần nhiệt huyết, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, 7 người trẻ tuổi có cùng chí hướng đã liên kết với nhau thành lập HTX Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp Quân Vương (đứng chân trên địa bàn xã Ea Nuôl) để phát triển chăn nuôi, ấp nở, kinh doanh giống gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Sau hơn 5 năm thành lập và phát triển, HTX đã từng bước xây dựng sản phẩm có thương hiệu mạnh và chỗ đứng trên thị trường. Nhờ nhạy bén trong sản xuất, từ tháng 6/2021, HTX bắt đầu chuyển đổi tăng số lượng gà đẻ trứng và giảm số lượng gà giống để giảm chi phí thức ăn đầu vào và phù hợp với nhu cầu của thị trường, giúp HTX không chỉ đứng vững trước đại dịch COVID-19, mà còn mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Hiện tại hằng tháng HTX cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 con giống và hơn 10.000 trứng gia cầm, với doanh thu 3 tỷ đồng/năm.

Các thành viên trong Hợp tác xã Heo rừng Buôn Đôn có nguồn thu ổn định từ mô hình chăn nuôi.

Nhờ sự nỗ lực của mình, HTX Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp Quân Vương là một trong 5 HTX tiêu biểu được lựa chọn làm cơ sở nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể theo “Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”. Theo đó, HTX sẽ được hỗ trợ mua sắm, lắp đặt thiết bị, hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi gà bằng vốn từ nguồn ngân sách tỉnh. Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và cho ra thêm sản phẩm gà thịt sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm; đồng thời, thu hút thêm thành viên liên kết cùng phát triển bền vững.

Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn Trần Thị Thủy cho biết, việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn luôn được huyện quan tâm, đẩy mạnh, trong đó nòng cốt là HTX. Huyện đã thành lập được 23 HTX; các tổ hợp tác và câu lạc bộ khởi nghiệp liên kết hoạt động tích cực, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tiếp sức cho các mô hình, trong năm 2022, huyện đầu tư gần 700 triệu đồng để hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các tổ hợp tác trồng ớt hữu cơ; HTX Heo rừng Buôn Đôn; tổ hợp tác trồng cây ăn trái… Hiện địa phương đang tập trung xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.