Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng người nghèo

08:12, 20/09/2022

Trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, tín dụng hộ nghèo là chương trình có dư nợ và sức lan tỏa lớn nhất. Từ nguồn vốn này đã giúp hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh thoát khỏi ngưỡng nghèo.

Krông Bông là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, do đó vốn tín dụng chính sách xã hội thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo. Đến hết quý 2 năm nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt hơn 509 tỷ đồng, với 12.931 khách hàng đang vay vốn. Đối với chương trình cho vay hộ nghèo, trong 20 năm qua, toàn huyện đã giải ngân cho 20.487 lượt hộ dân vay vốn với doanh số hơn 434 tỷ đồng, tổng dư nợ chương trình này đạt hơn 172 tỷ đồng, với 5.081 hộ nghèo đang vay vốn, mức dư nợ bình quân 33,9 triệu đồng/hộ.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải (thôn 4, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) được đầu tư bằng vốn vay ưu đãi.

Anh Nguyễn Ngọc Hải (thôn 4, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) hiểu rất rõ giá trị của vốn tín dụng chính sách xã hội, bởi nhờ nguồn vốn này mà anh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Năm 2017, anh được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ số vốn này, gia đình anh mua bò, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Từ 3 con bò thịt làm vốn ban đầu, khi bò lớn, anh bán quay vòng để mua thêm bò nhỏ về nuôi, nhờ đó, bò trong chuồng ngày càng tăng thêm, thu nhập được cải thiện, gia đình anh thoát nghèo. Năm 2021, anh tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện theo chương trình tín dụng hộ cận nghèo để đầu tư mở rộng chăn nuôi, hiện tổng đàn bò có 6 con. “Đàn bò sắp đến thời điểm xuất chuồng, tôi dự định bán bò để xây nhà mới và chăm lo cho con cái học hành”, anh Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông cho biết, để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quy trình vay vốn ngày càng được đơn giản, phù hợp. Việc đưa hoạt động của NHCSXH đến tận vùng sâu, vùng xa của huyện thông qua các phiên giao dịch lưu động tại điểm giao dịch giúp hộ nghèo không phải mất thời gian, phương tiện đi lại và tiết giảm chi phí. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã giúp trên 20.000 hộ cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, trong đó có trên 15.000 hộ nghèo đã thoát nghèo, 3.300 hộ nghèo cải thiện về đời sống nhưng chưa thoát nghèo, 1.200 nghìn hộ đã chuyển biến nhận thức và cách thức làm ăn.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông kiểm tra thực tế sử dụng vốn vay của khách hàng trên địa bàn huyện.

Tại huyện biên giới Ea Súp, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt gần 437 tỷ đồng, tăng gần 431 tỷ đồng, gấp 73,82 lần so với năm 2002. Riêng tín dụng hộ nghèo, có 5.336 hộ đang vay vốn, với dư nợ đạt gần 191 tỷ đồng, tăng hơn 186 tỷ đồng, gấp 42 lần so với năm 2002. Tín dụng chính sách xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn của hộ nghèo trên địa bàn huyện, vốn tập trung cho những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn. Theo đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Ea Súp, tín dụng ưu đãi đã bám sát chương trình giảm nghèo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vốn vay tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, qua đó đã giúp 7.863 lượt hộ thoát nghèo.

NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, chương trình tín dụng hộ nghèo đã triển khai cho vay 273.108 lượt hộ, với tổng doanh số đạt gần 6.043 tỷ đồng, đã tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, nâng cao hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách. Đến nay dư nợ của chương trình đạt hơn 1.439 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,4% tổng dư nợ, tăng hơn 1.374 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao từ Ngân hàng phục vụ người nghèo (tiền thân của NHCSXH). Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn trong 18 chương trình cho vay tại Đắk Lắk, với 38.574 hộ còn dư nợ, mức dư nợ bình quân một hộ đã được nâng lên từ 2 triệu đồng/hộ (năm 2002) lên 37 triệu đồng/hộ (năm 2022), nhiều hộ nghèo đã được vay vốn với mức tối đa lên đến 100 triệu đồng. Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, đã giúp hơn 263.778 hộ vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​