Multimedia Đọc Báo in

Mang cà phê đặc sản về "xứ trầm hương"

06:52, 18/09/2022

Cũng giống như trầm hương, hương vị cà phê có một sự cuốn hút đặc biệt đối với người thưởng thức nó. Và khi đến với thành phố biển Nha Trang, sự đặc sắc của sản phẩm cà phê đặc sản nằm trong Top 10 tại cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2022 thực sự đã mang lại cho những tín đồ cà phê ở "xứ sở trầm hương" những trải nghiệm khó quên ngay lần đầu “gặp gỡ”.

Kết nối mọi người bằng hương vị

Diễn ra trong một không gian không quá lớn, vừa đủ trang trọng, nồng ấm cho vài trăm khách mời đến tham dự, nhưng sự kiện Giới thiệu và trải nghiệm Cà phê đặc sản Việt Nam tại thành phố Nha Trang đã mang lại tiếng vang vượt ra khỏi không gian nhỏ bé này. Điều thú vị, ấn tượng của sự kiện không chỉ là mắt thấy, tay chạm vào những hạt cà phê được thu hái, sơ chế cầu kỳ mà những tín đồ cà phê ở thành phố biển còn được thử nếm những sản phẩm cà phê đặc sản đến từ những vùng miền khác nhau để trải nghiệm bằng chính cảm quan của mình về hương vị cà phê.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh (bìa phải) tham quan gian hàng cà phê đặc sản.

Bạn trẻ Đặng Như Quỳnh (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) chia sẻ, khi được tin Nha Trang có sự kiện này thì nhóm các bạn trẻ mê cà phê rất mừng và bảo nhau là phải đi đến tham dự. "Tụi em được thử nếm hết các sản phẩm Top 10 tại cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2022, và thực sự rất tuyệt vời, khó để tìm thấy những hương vị này tại các quán cà phê nơi đây. Tụi em rất vui và nhiều cảm xúc vì Nha Trang trước giờ chưa có một sự kiện về cà phê mang tính chuyên nghiệp và có chiều sâu như thế này. Sự kiện này là cơ hội quý báu để cho những người trẻ mê cà phê ở thành phố biển có cơ hội tiếp cận, học hỏi rất nhiều thứ về cà phê. Tụi em mong muốn có thêm nhiều sự kiện về cà phê giống như vầy diễn ra ở đây nhằm giúp mọi người có thêm kiến thức, hiểu sâu hơn về cà phê để tìm được con đường phát triển đúng đắn về ngành hàng cà phê", Như Quỳnh chia sẻ.

Còn anh Lê Nhật Khang (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) cho hay, anh cảm thấy rất thú vị khi được thử nếm các loại cà phê đặc sản Việt Nam, hương vị rất phong phú, đặc sắc. Và những hương vị nguyên bản của cà phê mang lại cho bản thân anh nhiều ấn tượng hơn là hương vị cà phê lên men. Anh cũng cảm ơn Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã mang những hạt cà phê đặc sản về với phố biển, vì nếu không có sự kiện này sẽ không ai biết, không ai hiểu thế nào là cà phê đặc sản. Đây là sự kiện mang tính chính thống, sẽ là một cú hích để người tiêu dùng ở "xứ trầm hương" có cái nhìn nghiêm túc về dòng cà phê chất lượng cao và sẽ có hành vi tiêu dùng thông thái hơn.

 
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức được 3 sự kiện về trải nghiệm cà phê đặc sản Việt Nam ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Nha Trang để người tiêu dùng được dịp thưởng thức những tách cà phê mang hương vị độc đáo từ các tỉnh Tây Nguyên đến Quảng Trị, Sơn La... Qua đó, giá trị cà phê đặc sản Việt Nam được nhiều người biết đến hơn, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng".
 
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Theo Ban tổ chức sự kiện, đây là lần đầu tiên Cà phê đặc sản Việt Nam về với thành phố biển Nha Trang. Sự kiện diễn ra với nhiều nội dung, như: trưng bày và thưởng thức cà phê đặc sản Việt Nam; thử nếm cà phê đặc sản Top 10 tại cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2022; giao lưu, trò chuyện về “Hành trình cà phê đặc sản Việt Nam”… đã thu hút hàng trăm lượt khách đến tìm hiểu và trải nghiệm. Sự kiện cũng đã kết nối những đơn vị, cá nhân đến từ các trang trại làm cà phê đặc sản với các nhà thương mại, nhà rang, nhà pha chế, nhà thử nếm… nhằm hướng đến đưa cà phê chất lượng đỉnh cao phục vụ cộng đồng.

Kích cầu tiêu dùng cà phê đặc sản

Tên gọi “Cà phê đặc sản” (Specialty Coffee) xuất hiện trên thế giới lần đầu cách đây khoảng 50 năm. Thị trường cà phê đặc sản ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm và hiện chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu 220 tỷ USD của ngành cà phê toàn cầu. Tuy nhiên ở Việt Nam, với trên 600.000 ha cà phê, hàng năm tiêu dùng và xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn cà phê nhân nhưng hành trình cà phê đặc sản chỉ mới bắt đầu từ năm 2019 đến nay. Mặc dù mới trải qua 4 cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam – Vietnam Amazing Cup”, nhưng đã có hàng trăm lô hàng cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản được giới thiệu, quảng bá, kết nối ở các thị trường lớn trong nước, cũng như tham gia các sự kiện quảng bá cà phê đặc sản trên thế giới (Mỹ, Ý, Nhật, Hàn…).

Tuy nhiên trên thực tế, cà phê đặc sản vẫn chưa quen thuộc lắm với người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngay ở TP. Nha Trang, nằm sát bên thủ phủ cà phê của Việt Nam, mặc dù quán cà phê rất nhiều và người uống cà phê không phải là ít nhưng thói quen, hành vi thưởng thức cà phê đặc sản thì không có nhiều.

Các tín đồ cà phê ở TP. Nha Trang đến tham gia thử nếm các sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Chi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tống Phúc Lâm (đơn vị có sản phẩm cà phê đặc sản nằm trong Top 10 Cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2022), Nha Trang là một thị trường cực kỳ tiềm năng vì đây là thành phố về du lịch, với lượng du khách khổng lồ, nhất là du khách nước ngoài. Đây là một kênh rất tốt để quảng bá cà phê đặc sản Việt Nam vì du khách nước ngoài họ đi rất nhiều nước và họ sẽ kể câu chuyện về cà phê đặc sản Việt Nam ở những nơi họ đi qua. Tuy nhiên, cà phê đặc sản hiện chưa tiêu dùng mạnh ở Nha Trang, có thể nơi đây đang lúng túng chưa biết làm như thế nào; hoặc người rang xay, kinh doanh cà phê chưa được đào tạo và chưa đủ kiến thức để hiểu rằng cà phê đặc sản mới là cà phê có giá trị. Chính vì vậy, sự kiện về cà phê đặc sản Việt Nam được tổ chức ở đây sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng cho thị trường tiêu dùng cà phê khởi sắc.

Còn bà Trần Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện Brandin cho hay, người tiêu dùng ở TP. Nha Trang đã bắt đầu nhận thấy có sự khác biệt đâu đó giữa cà phê đặc sản và cà phê truyền thống. Lần đầu tiên cà phê đặc sản Việt Nam về với thành phố biển Nha Trang là một bước thử để xem sự đón chào của mọi người đối với cà phê đặc sản như thế nào; mọi người có sẵn lòng và mở lòng để chào đón cà phê đặc sản hay không? Từ đó công ty sẽ có kế hoạch, tư vấn cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng như các đơn vị thành viên tiếp tục làm những sự kiện cho cộng đồng về cà phê đặc sản nhiều hơn nữa nhằm kích cầu tiêu dùng.

Ban đầu “Cà phê đặc sản” được hiểu là loại cà phê nhân có chất lượng đặc biệt được trồng ở những tiểu vùng sinh thái đặc thù và chỉ áp dụng cho cà phê Arabica thì nay “Cà phê đặc sản” đã có định nghĩa khá hoàn chỉnh và áp dụng cho cả cà phê Robusta. Tiêu chuẩn và quy trình đánh giá “Cà phê đặc sản” được áp dụng theo Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (cho Arabica) và Viện chất lượng cà phê thế giới (cho Robusta)

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.