Multimedia Đọc Báo in

Người dân “rốn lũ” mòn mỏi ngóng đê bao

08:12, 19/09/2022

Hằng năm, người dân vùng "rốn lũ" ở xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) phải gánh chịu nhiều cơn lũ, thiệt hại lớn về cây trồng, tài sản, thậm chí là tính mạng. Ngày ngày, họ vẫn ngóng chờ công trình đê bao hoàn thiện để hoạt động sản xuất thuận lợi, không phải “đánh bạc” với trời.

Dự án đê bao 200 tỷ đồng “vướng” mặt bằng

Ngày 30/10/2018 UBND tỉnh có Quyết định số 2886/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana (gọi tắt là Dự án). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Công trình đi qua 3 xã của huyện Lắk gồm: Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết; tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho các công trình chống hạn cấp bách thuộc Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai.

Một hạng mục thuộc Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana đoạn qua xã Buôn Tría (huyện Lắk) thi công dở dang.

Toàn tuyến đê bao có tổng chiều dài khoảng 15 km (bao gồm cộng cả 2 km đường nối vào khu sản xuất). Diện tích đất bị ảnh hưởng phải thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện công trình là 30,7 ha của 238 hộ dân. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Lắk đã phê duyệt 9 phương án bồi thường, hỗ trợ cho 139 hộ, với diện tích 15,5 ha. Hiện còn 15,2 ha (chiếm 49,5% khối lượng) chưa thực hiện GPMB, trong đó diện tích đất trên tuyến xây dựng đê bao là 1,49 ha; diện tích đất làm vật liệu xây dựng đắp đê là 13,7 ha.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lắk Lê Văn Lon, quá trình triển khai công tác GPMB dự án này gặp một số khó khăn. Cụ thể, phần lớn diện tích còn lại chưa thực hiện thu hồi để triển khai dự án chủ yếu là diện tích đất phục vụ vật liệu đắp đê mới được bổ sung vào Quy hoạch sử dụng huyện Lắk giai đoạn 2021 - 2030. Hiện đang chờ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện phê duyệt mới có cơ sở để thực hiện thu hồi đất, GPMB đối với diện tích còn lại của dự án.

Thiếu mặt bằng, thiếu đất đắp dẫn đến việc thi công phải tạm dừng từ giữa năm 2022. Theo Phó Giám đốc Ban tỉnh Nguyễn Đình Thìn, đến nay vẫn chưa có kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Lắk, các bãi vật liệu chưa được GPMB nên trong mùa khô không khai thác được đất để đắp đê. Trong khi đó, mùa mưa mực nước sông dâng cao, khu vực các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng - nơi thực hiện công trình là khu vực “rốn lũ” của huyện Lắk không thể thi công được.

Nông dân đang… “đánh bạc” với trời

Do công trình Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana chưa hoàn thành, hằng năm vựa lúa ở các xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết đều phải hứng chịu các cơn lũ tiểu mãn, lũ chính vụ gây thiệt hại nhiều về cây trồng, thậm chí là mất trắng. Hoạt động sản xuất, trong đó phần lớn cây lúa nước của người nông dân nơi đây như phải “đánh bạc” với trời.

Bà Trần Thị Liệt, nhà ở xóm Huế, xã Đắk Liêng cho biết, gia đình bà có 2 ha ở cánh đồng 8/4 thuộc địa bàn xã Buôn Tría. Những năm gần đây nhờ có hệ thống kênh mương tưới nước nên việc sản xuất lúa vụ đông xuân gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vào vụ hè thu, hầu như năm nào cũng phải gánh chịu một đến hai cơn lũ tiểu mãn, bao công chăm sóc, chi phí bị lũ cuốn ra sông. Chẳng hạn như vụ hè thu năm nay, thời điểm bị ngập lúa đang ngậm sữa, cộng với ngâm nước lâu ngày nên 1 ha lúa của gia đình bà mất trắng hoàn toàn, diện tích còn lại năng suất, sản lượng rất thấp.

Cánh đồng lúa tại xã Buôn Triết (huyện Lắk) "nằm bẹp" dưới ruộng vì ngâm nước lũ lâu ngày.

Bà Liệt cho biết thêm, gia đình bà có ruộng ở khu vực triển khai Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana, năm 2021 sau khi nhận tiền đền bù GPMB, nhà bà đã bàn giao 2 sào đất lúa thuộc diện thu hồi cho chủ đầu tư thi công công trình. Đầu năm nay bà thấy máy móc, công nhân thi công ở khu vực gần ruộng nhà bà, không hiểu sao cả mấy tháng nay lại không thấy “bóng dáng” thiết bị nào hết. Bà mong rằng chủ đầu tư và đơn vị liên quan triển khai dự án trở lại để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm giúp người dân làm lúa yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Biết, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría cho hay, công trình Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana qua địa bàn xã dài khoảng 4,9 km, hiện mới GPMB được 1,7 km. Tổng diện tích gieo trồng lúa nước mỗi năm của xã Buôn Tría khoảng 2.000 ha, trong đó vụ hè thu khoảng 900 ha, hầu như năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi các cơn lũ tiểu mãn thường xảy ra vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Đơn cử như vụ hè thu năm nay, địa phương mất trắng gần 500 ha lúa nước, chưa kể với diện tích còn lại năng suất, sản lượng giảm nghiêm trọng. Hơn 40 năm nay, người dân ở xã Buôn Tría, Buôn Triết vẫn luôn trông chờ công trình đê bao ngăn lũ hoàn thành để phục vụ hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ tiểu mãn hằng năm xảy ra.

Mục tiêu của Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana là ngăn lũ sớm chống ngập (lũ tiểu mãn) cho 3.000 ha lúa nước ở 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết (huyện Lắk). Bên cạnh đó, mặt đê bao sẽ kết hợp làm đường giao thông nội đồng, kết nối giao thương giữa huyện Lắk và huyện Krông Ana, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.