Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk “trắng tay” sau lũ

09:42, 01/09/2022

Do chịu ảnh hưởng của bão số 2 và đới gió Tây Nam, hàng nghìn héc ta lúa nước vụ hè thu năm 2022 trên địa bàn huyện Lắk bị nhấn chìm trong biển nước. Đáng buồn, khi nước lũ rút, phần lớn diện tích ngập gần như mất từ 70-100%. Nông dân bỗng chốc “trắng tay” sau nhiều tháng gieo trồng, chăm sóc.

Những cánh đồng…phủ màu đen của bùn

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk, vụ hè thu năm 2022 trên địa bàn huyện đã gieo trồng được gần 12.200 ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa nước gieo trồng 7.609 ha. Do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 6 đến ngày 16/8/2022, trên địa bàn huyện có mưa to và rất to, khiến hơn 2.409 ha cây trồng trên địa bàn bị ngập lụt. Trong đó, thiệt hại từ 30 - 70% là 369 ha và thiệt hại trên 70% (gần như mất trắng) là 2.040 ha. Các địa phương có diện tích lúa mất trắng nhiều như: xã Buôn Triết (1.144 ha); xã Đắk Liêng (gần 434 ha); xã Buôn Tría (395 ha).

Những ruộng lúa ở xã Buôn Tría, huyện Lắk trơ bông do ảnh hưởng của bão số 2.
Những ruộng lúa ở xã Buôn Tría, huyện Lắk trơ bông do ảnh hưởng của bão số 2.

Đến cuối tháng 8/2022, sau hơn 20 ngày ngâm trong nước lũ, hầu hết diện tích lúa bị ngập lụt ở vựa lúa của huyện Lắk gồm xã Buôn Tría, Buôn Triết và Đắk Liêng phủ một màu đen của bùn. Trong đó, nhiều diện tích lúa nằm bẹp dí dưới bùn không thể gặt. Một số diện tích gặt được thì toàn bộ lúa thu về cũng chỉ dùng để cho gà, vịt, lợn ăn. Do ruộng còn nước, lúa lại dính đầy bùn nên hầu hết diện tích ngập bà con buộc phải thu hoặc bằng tay rất nhọc nhằn. Với những diện tích không mất trắng thì lúa thu về cũng đen thui, không thể dùng để nấu cơm.

Chị Nhữ Thị Hoa, ở thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết cho biết, mưa lũ ập đến từ đầu tháng 8 mà mãi đến cuối tháng nước mới bắt đầu rút, mỗi ngày ra thăm ruộng là mỗi lần xót ruột. Nếu thời tiết thuận lợi, được mùa thì thời điểm này vựa lúa Buôn Triết lúa vàng óng, tiếng máy gặt rộn cả cánh đồng. Nay nhìn đám ruộng màu đen sì, bà con ai cũng rớt nước mắt vì lúa có thu về cũng chỉ để phục vụ chăn nuôi.

Đến cuối tháng 8/2022, một số diện tích lúa ở xã Buôn Tría vẫn chưa thu hoạch vì nằm bẹp dí dưới bùn nước.
Đến cuối tháng 8/2022, một số diện tích lúa ở xã Buôn Tría vẫn chưa thu hoạch vì nằm bẹp dí dưới bùn nước.

Giữa trưa nắng, hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Sự và bà Nguyễn Thị Thành ở thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría đang phơi, đảo số lúa của gia đình đã thu hoạch trong mấy ngày qua. Bà Thành chia sẻ, năm nay gia đình bà gieo hơn 1,7 ha, thì toàn bộ diện tích lúa đều bị ngập, bị đen hết. Hộ nào chăn nuôi thì còn dùng được, chứ không chăn nuôi thì về phải bán với giá rẻ như bèo cho thương lái.

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Nằm ở vùng rốn lũ, năm nào bà con nông dân ở các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) cũng đối mặt với các đợt lũ, gây thiệt hại lớn về cây trồng, tài sản. Nhưng có lẽ chưa năm nào thiệt hại lại lớn như vụ hè thu năm nay, bởi bão số 2 ập đến vào thời điểm lúa làm đòng, trổ bông nên vùng nào bị ngập là gần như mất trắng hoàn toàn.

Người dân xã Buôn Triết nhọc nhằn thu hoạch lúa sau lũ.
Người dân xã Buôn Triết nhọc nhằn thu hoạch lúa sau lũ.

Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría buồn bã, vụ hè thu năm nay gia đình bà gieo sạ 7 sào trên cánh đồng quân đội. Đợt mưa lớn từ đầu tháng 8/2022, toàn bộ diện tích của gia đình bà bị ngập lụt, đến nay ngâm nước hơn 20 ngày, từ thân đến hạt lúa đều chuyển thành màu đen, bốc mùi tanh của bùn.

Cơ cực hơn, ruộng vẫn còn ngập nước nên buộc phải gặt tay, thuê với công 250 nghìn đồng/ngày cũng phải “đỏ mắt” mới tìm ra người gặt. Không đưa lúa về thì nghĩ đến công gieo trồng, chăm sóc, bao công chăm sóc, phân bón, giống vứt bỏ cho cá, ốc thì không đành, “Bỏ thì thương, vương thì tội”, nếu thời tiết thuận lợi, gặt máy chỉ nhoáng cái là xong, nay lúa dính bết đầy bùn nên phải phơi cho khô rồi mới tuốt được, xong còn phải sàng sảy bao nhiêu lần mới lấy được hạt thóc chắc về cho gà, cho lợn ăn.

Lúa, rơm rạ của nông dân xã Buôn Triết sau thu hoạch lẫn vào bùn
Lúa, rơm rạ của nông dân xã Buôn Triết sau thu hoạch lẫn vào bùn.

Đang cố gắng lật, đảo đống lúa bết bùn của gia đình sau hơn 20 ngày ngâm trong nước, ông Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría thở dài, để đưa được đống lúa này lên bờ, gia đình ông đã phải thuê công bằng cách chia đôi sản phẩm (lúa thu về sau khi phơi khô chia theo tỷ lệ 50-50% giữa chủ và người gặt thuê), chứ thuê công theo ngày không ai nhận.

Với những hộ có diện tích ít, may ra lấy công làm lãi, còn nhờ được anh em, bà còn thu hoạch hộ, hoặc đổi công, nhưng với 2,3 ha của gia đình ông thì phải thuê công bằng cách chia đôi sản phẩm. Tính mọi chi phí, công chăm sóc và công thuê thu hoạch, vụ hè thu năm nay coi như công cốc.

Tại xã Buôn Triết, địa phương có gần 1.300 ha, trong đó có đến 1.144 ha bị thiệt hại trên 70%. Tranh thủ những ngày nắng, bà con tại địa phương này huy động người để đưa lúa về nhà. Bà Nguyễn Thị Mến, thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết than vãn, với gần 2 ha lúa vụ hè thu, gia đình bà đã bỏ bao nhiêu công sức chăm sóc, tiền mua giống, nay lũ về ngâm hơn nửa tháng cuối cùng thành công cốc. Ruộng ngập sâu, rạ, thóc bốc mùi tanh, thuê người ở đâu cũng khó. Giá thuê cao, lúa thu về chỉ tính bằng túm (bao) chứ không phải bằng tấn như năm được mùa, trả công rồi không còn đồng lãi nào. Song nếu để ngoài đồng thì không nỡ, vì đó là công sức, tiền của của mình bỏ ra, coi như lấy công làm lãi, được hạt nào hay hạt đó, chứ lúa này đưa về cũng chỉ để phục vụ chăn nuôi mà thôi.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.