Multimedia Đọc Báo in

Sầu riêng Đắk Lắk - Đa Lạc Lưu Liên

06:52, 18/09/2022

Ngày 17/9/2022 diễn ra lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên từ huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) sang thị trường Trung Quốc. Đơn hàng được thực hiện theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Với sự kiện này, lần đầu tiên, loại nông sản đặc biệt của Tây Nguyên sẽ chính thức được nhập khẩu vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch, mở ra một cơ hội thâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới cho sầu riêng Đắk Lắk. Bốn chữ “sầu riêng Đắk Lắk” vì thế sẽ dần lan tỏa trong đông đảo người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Theo những người làm công tác dịch thuật, “sầu riêng Đắk Lắk” được dịch sang tiếng Trung Quốc, là Đa Lạc Lưu Liên. Trong đó, Đa Lạc, là tên riêng tỉnh Đắk Lắk, được phiên dịch qua chữ Hán, âm đọc tiếng Trung Quốc và dĩ nhiên, được vận dụng nghĩa từ dùng một cách thú vị. “Đa” nghĩa là nhiều, “Lạc” nghĩa là niềm vui. Đa Lạc có nghĩa là nhiều niềm vui. Suy rộng ra, người phiên dịch hai chữ Đắk Lắk muốn diễn nghĩa đây là vùng đất hội tụ “nhiều niềm vui”.

1
 Những chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Thuận Nguyễn 

Có một số người bàn luận rằng, ngoài chữ Đa Lạc, Đắk Lắk cũng được phiên dịch thành Đắc Lạc, có nghĩa là có được niềm vui. Chữ "Đắc" ở đây nghĩa là được. Song dùng từ này, sẽ không thể có ý nghĩa mở rộng như từ Đa Lạc.

Hơn nữa, theo phát âm tiếng phổ thông Trung Quốc, chữ “Đắc Lạc” sẽ được đọc là “De Le”, không hề đồng âm gợi đến Đắk Lắk. Trong khi đó, Đa Lạc đọc theo âm phổ thông Trung Quốc sẽ là Da Le, dễ liên tưởng đến âm đọc Đắk Lắk. Đa Lạc đã được ghi nhận đúng tên gọi trong sách vở từ điển lâu nay; trong các từ điển cũ về địa danh hành chính các tỉnh lỵ Việt Nam, Đắk Lắk đã được phiên âm chữ Hán là Đa Lạc.

Từ “sầu riêng” ở chữ Hán, âm đọc là Lựu Liên, hoặc Lưu Liên. Trong đó, chữ "Lựu" có nghĩa là trái lựu, trái thạch lựu, giống cây trồng có thể thấy nhiều tại miền nam Trung Quốc. Chữ "Liên", nghĩa là hoa sen, cũng là giống hoa thường thấy được ở Trung Quốc. Chiếu theo lịch sử, sầu riêng là loại trái cây vùng nhiệt đới, nguyên bản không trồng được tại Trung Quốc, nên để diễn tả loại trái cây này, Hán tự phải vay mượn những hình ảnh dễ thấy để người dùng liên tưởng. Trái sầu riêng, theo đó được hiểu là nhìn giống quả thạch lựu ở chỗ có nhiều múi thịt bên trong, và có mùi hương đặc trưng, lan tỏa rất mạnh mẽ và lưu giữ rất lâu. Khái niệm mùi hương sầu riêng “có vẻ như mùi hoa sen” có thể không được chấp nhận ở nhiều người, song rõ ràng, mùi hương đặc trưng của sầu riêng trong mắt người Trung Quốc là dễ chịu và đáng thưởng thức.

Qua những nỗ lực gần đây, Đắk Lắk đã là địa phương có những thành quả nhất định về định hướng xuất khẩu nông sản. Sự kiện tổ chức lễ hội sầu riêng mới đây, và tiến hành hợp tác mở đường xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường lớn Trung Quốc cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan ban, ngành, tìm đầu ra hiệu quả cho người nông dân Đắk Lắk.

Tất cả thể hiện một tầm nhìn phát triển và hội nhập mạnh mẽ về giống cây trồng này ra các thị trường tiêu dùng mới ở khu vực, quốc tế, và rất cần có sự tiếp sức, trực tiếp hợp tác từ chính người dân địa phương. Sự kết nối thông tin từ ngôn ngữ giao tiếp của đôi bên, theo đó người Đắk Lắk trồng sầu riêng sẽ cần quen dần với 4 chữ phiên âm mới: Đa Lạc Lưu Liên.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.