Tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Để kinh tế tập thể vươn ra “biển lớn”
Có thể khẳng định kinh tế tập thể (KTTT) đóng vai trò rất quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và trong vấn đề thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò KTTT trong giai đoạn mới, cần có một lộ trình dài hơi cho sự phát triển bền vững của loại hình kinh tế này.
Tập trung gỡ vướng
Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với sự phát triển của khu vực KTTT, các hợp tác xã (HTX) có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp cận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Hội nhập quốc tế tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đồng thời, cạnh tranh hàng hóa diễn ra gay gắt hơn, thậm chí ngay ở thị trường nội địa, đặc biệt là khi các hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ theo các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trước những diễn biến đó, để tiếp tục phát triển KTTT, kinh tế hợp tác cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích KTTT, kinh tế hợp tác phát triển.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa trái) thăm vườn cà phê của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc). |
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX tỉnh cho biết, trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, Đắk Lắk đã gặt hái được rất nhiều kết quả, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế yếu kém về cả khách quan lẫn chủ quan.
Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Khóa 13 ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về phát triển KTTT trong giai đoạn mới đã đưa ra 5 nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách để khuyến khích hỗ trợ KTTT phát triển, với 8 chính sách cụ thể cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tới.
Đó là chính sách về phát triển nguồn nhân lực; chính sách về đất đai; chính sách về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ; chính sách về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị thị trường và nghiên cứu thị trường; chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng; bảo hiểm xã hội…
“Nghị quyết 20 có nhiều thay đổi, chỉnh sửa các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn cho KTTT. Theo quan điểm của chúng tôi, để KTTT trong giai đoạn tới phát triển bền vững, phát huy được đúng vai trò trong phát triển kinh tế, một trong những cái chúng ta cần phải làm đó là sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012”, ông Phúc nói.
Đắk Lắk cần chú trọng đào tạo cơ bản cũng như đào tạo chuyên sâu về các ngành nghề cho các cán bộ, thành viên trong bộ máy HTX. Tiếp tục thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Đồng thời, các HTX chủ động kiện toàn bộ máy; quan tâm hỗ trợ các HTX xây dựng mã vùng trồng, hữu cơ… theo yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường” - bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Theo các chuyên gia, cùng với những điểm mới của Nghị quyết 20 thì cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012, tạo khung khổ pháp luật thông thoáng, minh bạch, khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, đặc biệt là chính sách đất đai, đầu tư; chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cán bộ quản lý sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường…
Bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, những điểm mới của Dự án Luật HTX (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội cho khu vực KTTT sự bứt phá trong thời gian tới. Những nội dung này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện của địa phương cũng như các HTX. Do đó, bà đề nghị tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác quán triệt các văn bản, nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 20.
Cụ thể hóa các mục tiêu trong giai đoạn mới
Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 700 HTX hoạt động ổn định, thu hút 80.000 thành viên tham gia, doanh thu bình quân đạt 1,8 – 2 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của thành viên đạt 50 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như: hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, nhất là hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; phát huy và tăng cường vai trò của Liên minh HTX tỉnh, Mặt trận, các đoàn thể, hội, hiệp hội; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Sản phẩm của Hợp tác xã Hợp Nhất (huyện Ea Kar) trong một sự kiện xúc tiến thương mại. |
“Để phát triển KTTT trong tình hình mới, cần có sự thống nhất về tư tưởng và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân; tăng cường vai trò chỉ đạo các cấp ngành trong phát triển kinh tế; chủ động tiếp cận, nắm bắt kịp thời những khó khăn để tháo gỡ khó khăn có các HTX; nâng cao trách nhiệm của sở, ngành, UBND huyện, xã trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này; xây dựng môi trường thuận lợi để HTX phát triển, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan để hỗ trợ HTX, dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng những mô hình HTX kiểu mới gắn với chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh, bắt kịp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới”. Ông Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
|
Theo Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX tỉnh, vấn đề cần giải quyết trước nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về chủ trương, định hướng phát triển KTTT, kinh tế hợp tác; tập trung phân loại, xử lý các tồn đọng của HTX nông nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động có hiệu quả; giải thể các HTX yếu kém theo luật định.
Hình thành các tổ hợp tác, HTX đa dạng từ thấp đến cao theo nhu cầu và tự nguyện của các thành viên lập ra để giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động của HTX, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.
TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp phát triển nông thôn II (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, để thực hiện được các mục tiêu về phát triển KTTT, HTX của tỉnh Đắk Lắk cũng như của Nghị quyết 20 thì cần có thêm nghị quyết về hỗ trợ tín dụng cho các HTX. Trung ương cần có nghị quyết giao nhiệm vụ các ngân hàng cho các HTX vay để phát triển các dịch vụ.
Có như vậy việc quản lý cho vay mới không phát sinh nhân sự, chuyên nghiệp và các HTX phải thực hiện thế chấp giống như đi vay ngân hàng. Tài sản thế chấp HTX sẽ tự lo nhưng Nhà nước phải hỗ trợ phần lãi suất. Có như vậy mới xóa bỏ được vấn đề khó khăn ở nông thôn hiện nay là 70 - 80% nông dân không đủ vốn sản xuất, phải mua thiếu vật tư nông nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Đối với Đắk Lắk, cần có chính sách đầu tư về nguồn nhân lực cho HTX nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các HTX hoặc kể cả các tổ hợp tác.
Trên thực tế, Đắk Lắk đầu tư nhiều cho HTX nhưng còn dàn trải, tỉnh nên tập trung vào một mối để hỗ trợ HTX phát triển theo đúng vai trò của một tổ chức sản xuất, giúp xóa bỏ tư duy nhỏ lẻ, manh mún của nông nghiệp truyền thống.
Đồng thời, giúp Nhà nước quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng của nông sản…
Cao Minh Giang
Ý kiến bạn đọc