Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

06:07, 30/09/2022

Vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh ghi nhận nhiều kết quả nổi bật và tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh và được đánh giá là điểm nổi bật trong hoạt động kinh tế của địa phương thời gian qua.

“Tốc lực” tăng trưởng

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đang có sự hồi phục mạnh mẽ. 9 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng đến 43,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 97,1% kế hoạch năm. Đây là tốc độ tăng trưởng mà nhiều năm qua tỉnh chưa có được.

Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.

Đắk Lắk là địa phương hàng đầu trong cả nước về xuất khẩu cà phê, và mặt hàng này đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp ấn tượng vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian qua.  Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho hay, xuất khẩu ngành hàng cà phê của tỉnh từ đầu năm đến nay đạt mức tăng trưởng khá. Lượng xuất khẩu tăng khoảng 20%, giá cũng tăng 30% so với năm trước. Giá cà phê tăng do nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế. “Lượng tồn kho ở các quốc gia đang bị sụt giảm mạnh đến 40%, cộng với dự báo giảm sản lượng cà phê ở Brazil - quốc gia trồng, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới - cho thấy nhu cầu đang vượt nguồn cung và là yếu tố để giá cà phê xuất khẩu còn tiếp tục tăng trong thời gian đến. Do đó, hoạt động xuất khẩu cà phê cả năm nay đang cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan”, ông Minh nói. Với kết quả này, hàng hóa của tỉnh đã giữ được mức tăng trưởng cao ở các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... giúp nâng cao vị thế cho sản phẩm địa phương.

Nhân tố hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng là các doanh nghiệp (DN) đã tiếp tục đầu tư chế biến sâu, nhất là ngành chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng; tham gia vào thương mại điện tử, chuyển đổi số; tận dụng cơ hội, lợi thế từ ưu đãi thuế quan, mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để hưởng ưu đãi.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận, sự tăng trưởng này cũng cho thấy các DN ngày càng quan tâm khai thác thị trường và tận dụng những ưu đãi mà FTA mang lại. Các FTA đang được các DN tận dụng tốt để biến thành cơ hội, khi thị trường này gặp khó thì linh hoạt xoay chuyển sang thị trường khác. Đây chính là động lực để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giúp giá trị sản phẩm xuất khẩu tăng lên.

Cơ hội đan xen với thách thức

Kết quả nổi bật đạt được từ hoạt động xuất khẩu thời gian qua cho thấy xuất khẩu đang trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhiều DN ở các ngành hàng cà phê, ca cao đều đã có đơn hàng đến hết quý IV, thậm chí một số đơn vị đã ký kết đơn hàng đến năm 2023. Do đó, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.

Chuyến hàng sầu riêng đầu tiên từ Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Thuận Nguyễn

Tuy nhiên, DN của tỉnh sẽ phải vượt qua các thách thức về quy tắc xuất xứ, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, các giấy chứng nhận cần thiết... nhằm nâng cao sức cạnh tranh ở những thị trường tiềm năng.

Bàn về vấn đề này, tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức với nông sản chủ lực tỉnh Đắk Lắk khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” diễn ra hồi tháng 9 tại TP. Buôn Ma Thuột, các chuyên gia kinh tế cho rằng, địa phương cần quan tâm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa, hàm lượng chế biến, tận dụng tốt và hiệu quả nhất những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa, hiểu rõ hơn về các cam kết mở cửa thị trường nhằm đưa nông sản Đắk Lắk ra thị trường toàn cầu.

 

Nếu đà này được giữ vững trong những tháng còn lại thì mục tiêu xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD cho cả năm 2022 là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt cao so với kế hoạch. Sự lạc quan này còn đến từ việc sầu riêng được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch. Đây là tiền đề quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian đến”.

 

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương

 

Nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak) luôn giữ tinh thần đổi mới, nghiên cứu thị trường, tập trung liên kết với nông dân nâng cao chất lượng từ vùng trồng... Sản phẩm của công ty đã đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu và đạt nhiều chứng nhận quốc tế như HACCP, Kosher, Halah...; có mặt trên sàn Amazon - một sàn thương mại điện tử quốc tế lớn. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Dak Lak chia sẻ, ngoài yếu tố thuận lợi về giá thì thành quả đến từ việc nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu của đơn vị. Chính vì thế, 9 tháng của năm 2022, DN có kết quả kinh doanh tốt, với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê đạt gần 177 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ. Đơn hàng xuất khẩu hiện đã có đến hết quý IV và công ty đang nỗ lực thực hiện đơn hàng theo đúng tiến độ, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử... nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2022. 

Sở Công thương cho biết, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, những tháng cuối năm, Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin về diễn biến thị trường, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản kỹ thuật, quy định về mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... của các thị trường trọng điểm cho DN xuất khẩu; tạo điều kiện để DN tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành tư duy làm ăn mới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.