Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui cho xuất khẩu nông sản

08:27, 23/02/2022

Hoạt động xuất khẩu nông sản đón những tin vui ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khi các doanh nghiệp (DN) liên tiếp nhận được đơn đặt hàng mới.

Bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc Thương mại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak Ltd) cho biết, dự kiến 2 tháng đầu tiên của năm 2022, bình quân mỗi tháng đơn vị xuất đi 10.000 tấn cà phê, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và 1.000 tấn tiêu. Một tín hiệu vui nữa là ngay từ đầu năm mới, xuất khẩu nông sản đang có mức giá tốt hơn. Đáng nói hơn cả, hồ tiêu xuất khẩu có giá tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng khá dồi dào, tính đến hiện tại, công ty đã có đơn hàng đến hết quý II-2022.

Gia công trái cây xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm.

Đối với Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, trung tuần tháng 2/2022, không lâu sau khi công ty chính thức khai trương nhà máy gia công nông sản xuất khẩu thì đã có các đơn hàng xuất đi thị trường cao cấp như Nhật Bản và các nước châu Âu. Hiện công ty đã có đơn hàng ký đến hết năm 2022 đối với một số mặt hàng như ớt, mít, xoài.

 

Sở Công thương nhận định, với những kinh nghiệm có được trong việc vừa chống dịch COVID-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN của tỉnh đang tạo ra thế chủ động hơn và nỗ lực lấy lại đà để tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới. Năm 2022 sẽ là năm nhiều kỳ vọng cho việc mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 3 tới, công ty đang gấp rút triển khai lô hàng mẫu cung ứng cho thị trường Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho hay, đơn hàng gia công xuất khẩu đã có, vấn đề còn lại đơn vị đang tập trung toàn lực để chủ động vùng nguyên liệu dồi dào, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu phía đối tác đưa ra để bảo đảm giao hàng kịp tiến độ, giữ uy tín với khách hàng.

Theo nhiều DN xuất khẩu của tỉnh, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực nhưng ngay những ngày đầu năm mới, nhiều mặt hàng bước vào chu kỳ tăng giá. Trong đó, cà phê, tiêu là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thì thời gian gần đây, giá cà phê liên tục duy trì ở mức cao, chấm dứt chuỗi đà giảm liên tục trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021; giá tiêu cũng đang có đà tăng mạnh. Điều này khiến cả nhà xuất khẩu lẫn nông dân đều được hưởng lợi. Đây là cơ sở tốt để các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, DN có được đơn hàng khá dồi dào, không bị rơi vào cảnh phải nơm nớp lo sợ thiếu đơn đặt hàng như trước. Điều này đã mở ra kỳ vọng bứt phá xuất khẩu trong năm 2022.

Trên đà đó, các DN tập trung tăng công suất nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy giao thương hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế.

Vận chuyển nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Theo Sở Công thương, với kết quả tích cực của năm 2021, hoạt động xuất khẩu năm 2022 được nhận định khá khả quan. Hàng hóa “khai xuân” khá suôn sẻ với các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ý... Ngay từ đầu năm, các DN đã gia tăng sản lượng sản xuất, dồi dào đơn hàng xuất khẩu. Năm 2022 dự báo có những thời cơ, thách thức đan xen, nhất là tác động khó lường của đại dịch COVID-19 cộng với xu hướng siết chặt quy định về tiêu chí chất lượng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, giá cả biến động khó đoán... sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Song, thời điểm này, các DN đã cơ bản thích ứng với những biến đổi do đại dịch gây ra. Do đó, mục tiêu xuất khẩu năm 2022 của tỉnh là 1,2 tỷ USD dù gặp nhiều thách thức, nhưng vẫn có khả năng đạt được.

Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của DN, ngành công thương Đắk Lắk tập trung thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn để bảo đảm nguồn cung hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ các DN xuất khẩu thông qua Chương trình xúc tiến thương mại; kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chế biến tinh, chế biến sâu, từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỷ lệ sơ chế và xuất thô; xây dựng và phát triển thương hiệu đối với một số sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển số lượng các DN xuất khẩu, sản phẩm mới xuất khẩu và thị trường xuất khẩu mới...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.