Multimedia Đọc Báo in

Dân di cư tự do – câu chuyện bao giờ chấm dứt? (kỳ 1)

08:41, 26/10/2022

Nhiều năm nay, vùng đất Đắk Lắk đã đón nhận hàng vạn người dân ở các địa phương khác di cư vào. Từ sự quan tâm, nguồn lực của tỉnh và Trung ương, đời sống của bà con khá hơn so với ở quê cũ. Tuy nhiên, tình trạng dân di cư tự do cũng kéo theo nhiều khó khăn, áp lực cho địa phương.

Kỳ 1: Dân đến mang theo những áp lực

Với diện tích rộng, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho cư trú và canh tác nông nghiệp, Đắk Lắk là điểm đến hấp dẫn của dân di cư tự do. Trên vùng đất mới, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Song việc di cư ngoài kế hoạch cũng kéo theo những áp lực, bị động cho chính quyền và các ngành chức năng của địa phương.

Một khu vực đất lâm nghiệp tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk) bị người dân lấn chiếm để canh tác.

Đất lành “níu chân” người ly hương

Một số địa bàn thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thời tiết khắc nghiệt, đất đai không thuận lợi, cuộc sống người dân quanh năm vất vả, thiếu thốn. Cũng bởi vậy, nhiều người đành chấp nhận xa quê hương tìm kế sinh nhai, mang theo khát vọng đổi đời trên vùng đất mới.

Anh Triệu Xuân Hòa (buôn Đắk Sa, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) là người dân tộc Tày, quê ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Tuổi thơ anh gắn liền với những ngày tháng nghèo khó, phải bới đất trong kẽ đá để trồng trỉa hay lên núi đào củ mài về ăn. Năm 2008, sau khi vào huyện Lắk thăm người thân, anh đã bị “níu chân” bởi vùng đất rộng, màu mỡ này. Trong thâm tâm, anh Hòa chẳng muốn bỏ quê hương, bản quán mà đi nên cứ lần lữa mãi; ngặt nỗi, ở lại quê thì nghề nghiệp không có, biết làm gì cho no đủ. Với giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn, năm 2012, anh cùng cả gia đình dắt díu nhau vào vùng đất mới sinh sống. Đến nay, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định từ trồng cà phê, cao su và sắn.

Thôn 15 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) hiện có 158 hộ, chủ yếu là đồng bào người Mông, Dao từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang di cư vào. Ông Lý Ngọc Kim, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 15 cho biết, trước đây, khi người dân mới vào, thôn này và thôn 14, thôn 16 (xã Cư Kbang) được gọi là những “thôn nhà bạt” vì hầu hết là nhà lợp tranh, xung quanh thưng bằng bạt. Bây giờ, đời sống người dân khá lên hẳn, không ít hộ có của ăn của để. Bên cạnh chăm lo làm kinh tế, bà con cũng xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội như chữa bệnh bằng thầy mo, nghiện ma túy... để xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thôn 15, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) đa phần là các hộ dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào.

Có thể nói, việc chuyển dân cư đến những nơi có điều kiện sống tốt hơn, nhiều cơ hội mưu sinh hơn là một xu thế khách quan của quá trình phát triển. Đắk Lắk là một trong những địa bàn tiếp nhận người di cư nhiều nhất. Theo số liệu của UBND tỉnh, từ năm 1976 đến hết năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 57.995 hộ với 282.230 khẩu ở 60 địa phương trong cả nước di cư đến. Giai đoạn 2005 – 2021, có 1.921 hộ di cư đến, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc, với 1.500 hộ, 7.818 khẩu. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 1,8 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Đối với dân di cư tự do, toàn tỉnh hiện có 10.167 hộ, tập trung nhiều tại các huyện Ea Súp, Krông Bông, M’Drắk, Lắk và Cư M’gar.

Thêm những áp lực

 

Theo chia sẻ của chính quyền các huyện Ea Súp, Krông Bông và Krông Năng, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng tảo hôn, đông con, tệ nạn ma túy tập trung nhiều ở những địa bàn có dân di cư tự do. Và việc giải quyết những vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn.

Dân di cư tự do ban đầu thường đến ở tạm với người đã đến trước, sau đó dựng nhà và tiếp tục đưa cả gia đình vào sinh sống, lập làng. Họ thường sống theo các nhóm hộ, đến định cư tại những vùng riêng lẻ trong rừng, ven thung lũng, dọc khe suối. Tình trạng này kéo theo những áp lực cho việc giữ rừng cũng như giải quyết các vấn đề xã hội cho địa phương nơi dân đến.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu dân cư được hình thành trên đất rừng chưa được chuyển đổi, nhiều nhất là tại các huyện Lắk, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Bông và Krông Năng. Tình trạng dân di cư tự do kéo theo việc đốt nương làm rẫy, lấn chiếm, chặt phá rừng lấy đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Chịu nhiều áp lực nhất là những đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Vườn Quốc gia Yok Đôn, các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp có dự án nông lâm nghiệp và chính quyền các xã được giao quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng dân cư sống ở vùng đệm và cả vùng lõi rừng đã dẫn đến mối nguy cho rừng. Mặc dù chưa có con số chính thức nào về diện tích rừng bị phá, lấn chiếm bởi những người dân di cư tự do, nhưng chắc chắn đây là con số không nhỏ. Mất rừng làm cho đa dạng sinh học bị phá vỡ, môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai mới ở địa phương những năm gần đây. Việc người dân, nhất là những hộ di cư tự do xâm lấn, chiếm đất rừng diện tích lớn diễn ra trong thời gian dài đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý, giải quyết của cơ quan hữu quan địa phương.

Một khu vực dân di cư tự do tại xã Đắk Nuê, huyện Lắk còn nhiều khó khăn.

Làn sóng di cư tự do dẫn đến những tác động lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi dân đến, tạo ra sức ép trong việc giải quyết vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí và những mặt xã hội khác. Bên cạnh đó, di cư ngoài kế hoạch cũng phá vỡ các quy hoạch dân cư, sử dụng đất đai và vùng sản xuất khiến môi trường bị ảnh hưởng, phát sinh nhiều "điểm nóng" về an ninh trật tự, khó thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với chính quyền cơ sở. Theo chia sẻ của chính quyền các huyện Ea Súp, Krông Bông và Krông Năng, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng tảo hôn, đông con, tệ nạn ma túy tập trung nhiều ở những địa bàn có dân di cư tự do. Và việc giải quyết những vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế, nhiều khu dân cư đã được chính quyền quyết định thành lập thôn, buôn có tổ chức Đảng, ban tự quản nhưng khu vực đó vẫn là đất lâm nghiệp. Do đó, việc cấp đất ở, đất sản xuất cho bà con là không có cơ sở; việc xây dựng các điểm trường, thiết chế văn hóa hay các công trình hạ tầng rất khó khăn. Người dân cũng không được cấp các loại giấy tờ tùy thân, đăng ký kết hôn, vay vốn ngân hàng. Nhiều nơi, người dân chưa tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, chế độ hộ nghèo và những ưu tiên khác.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Giúp dân an cư, lạc nghiệp

Minh Thông – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc