Ì ạch giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 31) và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn nhiều vướng mắc, tiến độ giải ngân chậm.
Theo quy định của Nghị định 31, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc các ngành: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, dịch vụ thông tin; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng những điều kiện vay vốn, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Thực hiện Nghị định 31, NHNN Chi nhánh Đắk Lắk đã cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phổ biến, quán triệt kịp thời chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước đến các tổ chức tín dụng. Đến ngày 30/9, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 131.635 tỷ đồng, tăng 12,86% so với đầu năm và tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng cho vay theo Nghị định 31, các chi nhánh ngân hàng thương mại chỉ cho vay được hơn 50 tỷ đồng, với 10 khách hàng được hỗ trợ lãi suất.
Hoạt động giao dịch tại Phòng giao dịch Nam A Bank Ea H'leo. |
Theo đánh giá của ngành ngân hàng, quá trình thực hiện Nghị định 31 còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi đây là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại triển khai rất thận trọng; khách hàng e dè vay vốn vì ngại thủ tục thanh tra, hậu kiểm về sau; nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực và quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng nên việc bóc tách dư nợ gặp khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11.797 doanh nghiệp, 519 hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, đối tượng cho vay theo Nghị định 31 còn hạn chế, điều kiện cho vay khá phức tạp. Hơn nữa, hiện đang là thời điểm cuối năm, doanh nghiệp đang hoàn thiện số liệu báo cáo tổng kết tài chính nên ngại tiếp cận chính sách này vì giấy tờ, thủ tục phức tạp, chờ sang năm tài chính 2023 mới tìm hiểu để vay theo nghị định này. |
Cùng với đó, để bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất phức tạp; khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi, nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về phương án khả năng phục hồi; nhiều khách hàng không đủ điều kiện như báo cáo về thuế, kiểm toán không đồng bộ; không chứng minh được 100% số vốn sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ngại cung cấp hồ sơ, tài liệu về sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Trần Ngọc Duy, Giám đốc Ngân hàng MTCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, cho vay theo nghị định này chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp; một số khách hàng đến liên hệ với ngân hàng, tìm hiểu thông tin xong thì thấy không đáp ứng yêu cầu, nên chuyển sang vay thông thường để có vốn sản xuất, kinh doanh. Ông Duy cho rằng, để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận dễ dàng gói vay hỗ trợ lãi suất thì cần nới rộng các điều kiện như quy định được quá hạn lãi và gốc trong thời gian ít hơn 10 ngày; đưa ra quy định mới hoặc nới lỏng hơn về hồ sơ, chứng từ để những trường hợp đủ điều kiện vay mạnh dạn tìm đến gói vay.
Cán bộ Phòng giao dịch Agribank Cư Kuin kiểm tra thực tế sử dụng vốn của khách hàng. |
Theo Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Kim Cương, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách với kinh phí 40.000 tỷ đồng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn nhà nước với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn do tác động xấu của đại dịch COVID-19, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế. Đơn vị sẽ tổng hợp những vướng mắc, bất cập của việc thực hiện Nghị định 31 trên địa bàn tỉnh thời gian qua để kiến nghị NHNN điều chỉnh kịp thời; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận kịp thời chương trình hỗ trợ lãi suất; nắm bắt, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; đồng thời, kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp thực hiện không đúng quy định và tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc