Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh theo những mùa cà phê

07:52, 30/10/2022

Hằng năm, cứ vào khoảng từ tháng 10 - 12, khi trời chuyển gió ào ạt trên cao nguyên cũng là dấu hiệu một mùa cà phê lại đến. Đây không chỉ là thời điểm người nông dân có thể thu hái thành quả sau một năm chăm sóc, mà đó còn là dịp để nhiều người có thể kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Đã 7 năm nay, cứ trước mùa cà phê khoảng hai tháng, chị Lã Thị Ngát (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) lại tất bật với việc may bạt hái cà phê. Bạt là vật dụng không thể thiếu của những hộ trồng cà phê, dùng để trải dưới gốc hứng quả cà phê khi hái. Trong tiếng dậm chân đều đều bên máy khâu, chị Ngát trò chuyện: Những chiếc bạt nặng trĩu được kéo dưới đất qua nhiều gốc cây cà phê nên sau mỗi năm sẽ bị hao mòn, hư hỏng, cần thay mới. Người dân thường tận dụng những bao phân bón cho vườn cà phê trong năm, cắt ra, may ghép lại thành những tấm bạt lớn.

Chị Lã Thị Ngát tranh thủ thời gian rảnh trước mùa cà phê để nhận may bạt.

Theo chị Ngát, trung bình, mỗi chiếc bạt được may từ 18 bao phân, nếu sử dụng ở địa hình đất dốc cần từ 21 - 24 bao, may liên tục khoảng 2 giờ là có thể hoàn thành một chiếc bạt. Thông thường, khách hàng mang bao đến để may thì tiền công một cặp bạt có giá 110 nghìn đồng, còn nếu khách đặt may trọn gói thì một cặp bạt hoàn chỉnh có giá từ 250 - 270 nghìn đồng. Hằng ngày, những lúc xong công việc nhà, chị Ngát lại tranh thủ ngồi bên máy khâu. Mỗi mùa, chị may được tầm 60 chiếc bạt hái cà phê, ngoài ra chị còn nhận may các loại bạt khác như: bạt đậy đồ, bạt gặt lúa, bạt che chắn... Chị Ngát hóm hỉnh: “Đó, cứ gần đến mùa cà phê là mình chỉ cần ngồi ở nhà rung đùi thôi cũng đã có tiền rồi”.

Bước vào mùa thu hoạch cà phê đại trà, nhu cầu nhân công lao động cao, bởi thế người dân trong và ngoài tỉnh lên tục đổ xô về các vùng trồng cà phê để hái thuê, tiền công trung bình từ 180 - 220 nghìn đồng/ngày. Nếu hái khoán giá từ 1 - 1,5 nghìn đồng/kg, nếu chăm chỉ có thể làm được khoảng 300 - 600 nghìn đồng/ngày. Nghe qua có vẻ dễ dàng nhưng để có được những đồng tiền ấy, người lao động cũng phải nếm trải vị đắng của ngày mùa. Đã 3 năm nay, cứ vào đợt thu hoạch cà phê đại trà, anh Lê Văn Tuấn (tỉnh Hà Tĩnh) lại tất tả khăn gói lên đường vào Tây Nguyên. Anh thường chọn nhận làm cho các nông hộ để có chỗ ăn, chỗ ở và tiện làm việc. Anh kể, gặp những vườn cà phê bằng phẳng, giòn quả thì sẽ đỡ vất vả, còn nếu gặp những vườn có độ dốc, cộng thêm quả dai, nhiều kiến, đi hái gặp trời mưa nữa phải gọi là “cực hình”; chưa kể, hái xong còn phải dồn vào bao, bốc ra xe chở về... Bởi thế, ngày mùa đến, anh luôn tất bật từ 5 giờ sáng đến khoảng 7, 8 giờ tối mới nghỉ ngơi. “Vất vả thật đấy, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng thời gian từ 1 - 2 tháng để thu hoạch cà phê, mình cố gắng làm lụng, mỗi mùa cũng kiếm được hơn chục triệu đồng để dành ăn Tết”, anh Tuấn trải lòng.

Mùa cà phê đến, cả một vùng rộng lớn bạt ngàn màu xanh của lá, màu đỏ của những trái cà phê chín trải dọc rẫy nương. Len lỏi trong những vườn rẫy ấy không chỉ có những người nông dân đang thu hoạch cà phê mà còn có những người bán hàng dạo. Họ tranh thủ thời điểm này để có thể bán hàng dễ dàng hơn. Bà Nguyễn Thị Kiệm (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) năm nay đã hơn 60 tuổi, hằng ngày vẫn làm bánh rán để bán. Cứ vào mùa, bà lại tất tả làm bánh mang bán dạo quanh lô của các công ty cà phê, nơi đây mỗi ngày tập trung hàng trăm công nhân thu hái nên bà bán chạy hàng nhất. Có những hôm khách hàng đặt trước cả trăm cái bánh khiến bà vô cùng phấn khởi. Niềm vui của bà cùng nhiều “đồng nghiệp” bán dạo kem, bánh mì, bánh bao... chỉ đơn giản vậy, ai cũng hào hứng, chỉ mong mùa cà phê kéo dài thêm nữa để việc bán hàng hằng ngày đỡ vất vả hơn.

Mùa thu hoạch cà phê Tây Nguyên. 

Khi mọi nhà đã thu hoạch xong cà phê cũng là lúc nhiều người dân đổ xô đến các lô, rẫy để “mót” cà phê còn sót lại trên cây và dưới gốc. Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) cho biết, làm nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bởi thế mọi người luôn tận dụng hết những thứ có thể kiếm ra tiền. Hằng năm, cứ xong mùa, chị cùng người dân trong vùng từ già trẻ, lớn bé... lại rủ nhau đi “mót”. Đi “mót” cũng có cái thú vui của nó, vui nhất là khi gặp những cành cà phê chín mọng bị hái sót, hay những gốc cà phê bị đổ mà chủ vườn quên nhặt. Nếu chăm chỉ, chị cũng kiếm được từ 100 - 200 nghìn đồng/ngày.

Mùa cà phê mang đến bao cung bậc cảm xúc cho mỗi người, có thể là niềm vui của nông dân khi được mùa, hay nỗi đượm buồn khi mất mùa, mất giá; có thể là niềm vui của những người lao động khi có thêm thu nhập những ngày mùa. Cứ thế, họ tất bật mưu sinh giữa những vườn rẫy cà phê rộng lớn, giọt mồ hôi rơi lã chã giữa cái gió, cái nắng Tây Nguyên đại ngàn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc