Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ trồng dâu nuôi tằm

08:40, 20/10/2022

Tích cực trong sản xuất, tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân ở thôn 11 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đã liên kết với nhau phát triển hiệu quả mô hình trồng dâu nuôi tằm, mang lại nguồn thu ổn định.

Kinh tế gia đình chị Trần Thị Thu trước đây chủ yếu dựa vào nguồn thu từ 3 ha cà phê, tuy nhiên diện tích cây trồng này ngày càng già cỗi, năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao. Để tìm hướng chuyển đổi sản xuất, cải thiện thu nhập, sau khi tìm hiểu, chị Thu nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.

Tháng 9/2019, chị đã chuyển đổi 5 sào cà phê sang trồng cây dâu để tiến hành nuôi tằm. Sau bốn tháng chăm sóc, dâu bắt đầu cho thu hoạch lá, chị đầu tư thêm sàn, né và mua một hộp tằm giống về nuôi thử nghiệm. Bước đầu nuôi, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, rủi ro khi chưa am hiểu hết quá trình sinh trưởng, phát triển của tằm, nên số lượng kén thu được không nhiều. Không nản lòng, chị vừa nuôi vừa chú tâm quan sát kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm để thuận lợi cho các đợt nuôi sau.

Chị Trần Thị Thu (bên trái) hướng dẫn người dân quy trình, kỹ thuật nuôi tằm.

Khi đã nắm vững kỹ thuật và mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế, gia đình chị Thu mạnh dạn đầu tư thêm sàn, né, mở rộng diện tích trồng dâu lên 1,5 ha và tăng cường nuôi 2 hộp/đợt. Nuôi trong vòng 14 ngày đã thu hoạch được kén, với năng suất trung bình đạt 70 kg kén/hộp, có thời điểm thu được 90 kg kén/hộp. Với giá bán hiện tại hơn 200.000 đồng/kg, gia đình chị có thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/hộp. Với hai nhà nuôi rộng 100 m2, ban đầu con giống được chăm sóc tại nhà nuôi thứ nhất, sau khi tằm đã lên né, chị chuyển tằm sang khu vực khác, chỉ sau ba ngày là có thể xuất bán.

Theo chị Thu, nhờ luân chuyển như vậy giúp con tằm phát triển tốt, gia đình có thể khử khuẩn, rắc vôi, vệ sinh kỹ lưỡng khu vực nhà nuôi cũ để chuẩn bị nhanh chóng cho đợt nuôi tiếp theo. Vì thế, trung bình mỗi tháng gia đình có thể nuôi được 2 đợt. Thời điểm chở kén xuất bán cho các đại lý tại tỉnh Lâm Đồng, cũng là lúc gia đình lấy con giống về nuôi, rất thuận tiện cho việc sản xuất. Để mở rộng mô hình, chị đã thuê thêm hơn 1 ha đất để trồng dâu và dự tính cuối năm sẽ tăng lượng nuôi lên 3 hộp/đợt. Từ hiệu quả sản xuất của gia đình, chị tích cực chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích người dân trong thôn phát triển mô hình này để cải thiện thu nhập.

Cũng nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của chị Thu, nhiều năm nay, gia đình bà Phạm Thị Hòa vẫn duy trì mỗi đợt nuôi 1,5 hộp tằm giống. “Trồng dâu nuôi tằm đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng thu hồi vốn rất nhanh. Theo tính toán của gia đình, với 6 sào cà phê già cỗi, trung bình hằng năm sau khi trừ chi phí chỉ thu được 20 triệu đồng, nhưng phát triển trồng dâu nuôi tằm trên diện tích này, từ đầu năm đến nay gia đình đã thu được 80 triệu đồng. Đồng thời, tận dụng được phân tằm bón cho dâu và cây trồng khác, tiết kiệm được phần nào chi phí sản xuất”, bà Hòa chia sẻ.

hững né kén của gia đình bà Phạm Thị Hòa (thôn 11, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) sắp được thu hoạch.

Nhằm liên kết giúp nhau sản xuất hiệu quả, từ tháng 12/2019, chị Thu đã vận động người dân trong thôn thành lập Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm và được chính quyền địa phương hỗ trợ dụng cụ nuôi, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật.

Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay tổ đã tăng lên 11 thành viên và chuyển đổi 8 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu. Nhờ liên kết sản xuất, các thành viên thuận lợi trong việc chăn nuôi, tìm nguồn giống chất lượng, giúp đỡ nhau tập trung vận chuyển xuất bán kén, nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bà Lê Thị Thảo, Trưởng thôn 11 cho biết, đất đai khô cằn cùng với diện tích cà phê dần già cỗi đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nhiều hộ đã phá bỏ cà phê để trồng cây sắn và một số loại cây hoa màu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cùng với giá vật tư nông nghiệp tăng lên đã gây khó khăn cho người dân. Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng chuyển đổi hiệu quả. Nhờ những thuận lợi trong sản xuất và đầu ra rộng mở đã giúp cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trong thôn.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.