Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ bàn tay khéo léo

08:10, 19/10/2022

Vài năm trở lại đây, xu hướng tự làm những món đồ đan móc handmade (làm thủ công bằng tay), mua quà là đồ handmade đang rất được ưa chuộng.

Kèm theo đó, những người khởi nghiệp từ nghề đan móc cũng rất nhiều, thậm chí có sự cạnh tranh khốc liệt. Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1993, thôn Hải Châu, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) hiện là chủ của tiệm Handmade mẹ Thỏ vẫn đang hoạt động tốt, được nhiều người trong và người nước biết đến.

Chị Oanh học đan móc len từ chị gái khi mới 12 tuổi. Năm 2018, khi nuôi con nhỏ, thời gian rảnh, chị Oanh mua len về đan móc làm đồ chơi cho con. Đồ chơi chủ yếu là các loại thú nhồi bông có hình thù dễ thương, nhiều màu sắc… Các sản phẩm làm được chị đăng lên mạng xã hội Facebook, Zalo cho vui chứ không nhằm để bán. Tuy nhiên, những sản phẩm chị đăng được nhiều người thích và đặt mua.

Chị Oanh thấy mình không có công việc ổn định, không có gì ngoài kỹ năng đan móc len nên khi đan móc len mang lại thu nhập, hằng ngày chị cố gắng dành thời gian tìm hiểu về xu hướng của khách hàng, đan móc nhiều loại sản phẩm khác nhau. Ban đầu, do chưa thấy tiềm năng kinh tế từ công việc chị đang làm, lại tốn nhiều quá nhiều thời gian từ đan móc… nên người thân chưa ủng hộ và bản thân chị cũng nhiều lần muốn bỏ cuộc. May mắn sau một thời gian, số đơn hàng chị Oanh nhận được nhiều hơn. Không những thế, chị còn được nhiều khách hàng lớn trong và ngoài nước biết đến và đặt hàng với số lượng lớn. Từ đó, chị nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình, từ việc đan móc len, nhồi ráp bông… để kịp hoàn thành và giao cho khách hàng.

Đan móc len là nghề thủ công 100%, thế nên để bảo đảm cung cấp đủ sản phẩm cho các đơn hàng số lượng lớn, chị Oanh phải tuyển thêm rất nhiều thợ, hướng dẫn cho họ cách làm sản phẩm một cách đồng bộ từ cách đan móc, khâu, kích cỡ… Đặc biệt, đây chỉ là những công việc làm thêm ngoài giờ nên có thể làm tại nhà, theo nhóm từ 3 – 5 người, rất phù hợp cho các chị em muốn kiếm thêm thu nhập trong lúc rảnh rỗi. Hiện nay, thợ đan móc len của chị Oanh lên đến hơn 70 người, có mức thu nhập từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng. Năm 2020, chị Oanh mở một xưởng sản xuất tại thôn Hải Châu để tập kết sản phẩm và thuê thêm 3 nhân công thường xuyên tại xưởng làm công việc nhồi ráp bông để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh với mức lương trung bình từ 3 – 4,5 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh trưng bày sản phẩm tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp huyện Krông Ana.

Xưởng đan móc của chị Oanh có thể sản xuất được từ 2.000 – 3.000 loại sản phẩm, trung bình bán với giá từ 100 – 400 nghìn đồng/sản phẩm tùy loại. Sản phẩm kích thước lớn, làm theo yêu cầu khách hàng có thể lên đến vài triệu đồng. Hiện nay, ngoài xuất bán trong nước, chị Oanh còn nhận được các đơn hàng ổn định từ nước ngoài như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia… Trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, chị Oanh lãi hơn 20 triệu đồng. Theo chị Oanh, làm các sản phẩm thủ công mất nhiều thời gian, chi phí nhân công, nguyên vật liệu chiếm 60 – 70% nên khoản thu nhập này của chị cũng đã là khá cao.

Với mong muốn tạo thêm cơ hội cho phụ nữ có thêm tay nghề để tăng thu nhập, chị Oanh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana mở lớp hướng dẫn đan móc. Hiện nay, đã có 4 lớp được mở, đào tạo trên 20 học viên ra nghề và đều có việc làm ổn định.

Nghề đan móc len không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo trong công việc. Chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật móc len cơ bản và sáng tạo đa dạng mẫu mã, kiểu dáng từ đó tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, thân thiện với môi trường đã góp phần giúp chị Oanh khởi nghiệp thành công.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.