Multimedia Đọc Báo in

Quản lý, vận hành thủy điện mùa mưa lũ: Nâng cao trách nhiệm các bên trong công tác phối hợp

07:58, 07/10/2022

Công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn công trình hồ đập thủy điện vào mùa mưa là vấn đề quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm. Vấn đề quan trọng nhất trong công tác này là sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm từ đơn vị quản lý, vận hành thủy điện, các cơ quan chức năng đến chính quyền địa phương.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp hiện quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện, gồm: Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3 và Buôn Tua Srah, với tổng công suất 586 MW. Hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah có chức năng điều tiết năm bậc thang thủy điện sông Sêrêpốk. Bên cạnh đó, hoạt động của hai nhà máy còn lại cũng liên quan đến vận hành, điều tiết của các công trình khác trên sông. Với tính chất như vậy, hằng năm, cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện được công ty và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), chính quyền, nhân dân địa phương vùng hạ du thuộc tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông rà soát, bổ sung những quy định phù hợp với thực tế để triển khai thực hiện.

Cửa xả Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.

Phương án phối hợp vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện nhằm cụ thể hóa các yêu cầu về cung cấp thông tin, thông báo, báo cáo, phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác PCTT-TKCN tại các hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3, tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk do Thủ tướng Chính phủ ban hành và các quy định liên quan. Trong cơ chế phối hợp, bên cạnh trách nhiệm của chủ các công trình, còn liên quan đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, Sở Công thương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và chính quyền địa phương vùng hạ du thủy điện thuộc hai tỉnh này.

 

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp khuyến cáo, chính quyền các địa phương cần có giải pháp vận động người dân không canh tác, nuôi trồng thủy sản trong vùng hành lang thoát lũ của các công trình thủy điện. Những hộ đang canh tác thì chủ động thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, phương án phối hợp quy định một cách cụ thể phương thức cung cấp thông tin, số liệu, chế độ quan trắc, dự báo trong mùa lũ. Về công tác thông báo hằng ngày, khi các hồ đang tiến hành xả điều tiết - xả tràn, trước 8 giờ hằng ngày, chủ hồ sẽ gửi thông báo về “Tình hình vận hành điều tiết - xả tràn” đến các sở, ngành, địa phương. Trong quá trình vận hành điều tiết qua tràn ở điều kiện chưa xuất hiện lũ, lưu lượng lớn về hồ, điều chỉnh tăng, giảm lưu lượng xả tràn, chủ hồ có trách nhiệm thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan và đại diện nhóm cư dân, đồng thời phát thông báo trên các trạm cảnh báo vùng hạ du hồ chứa. Khi tổng lưu lượng xả về hạ du xấp xỉ 650 m3/s đối với hồ Buôn Tua Srah, 800 m3/s đối với hồ Buôn Kuốp và 1.200 m3/s đối với hồ Sêrêpốk 3 (điều kiện bất thường có lũ về hồ), chủ hồ cảnh báo tình hình cơn lũ đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, huyện, UBND các xã và khu dân cư để có biện pháp chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, quy chế phối hợp cũng thể hiện rõ các chế độ vận hành trong từng tình huống, như: chế độ vận hành điều tiết – xả tràn, chế độ “vận hành bình thường’’, “vận hành giảm lũ cho hạ du”, “vận hành đảm bảo an toàn công trình”, “vận hành trong tình huống bất thường” và “vận hành tích nước cuối mùa lũ” để các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động biện pháp xử lý phù hợp.

Trong quá trình vận hành điều tiết, xả tràn tại các hồ chứa Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thực hiện tuân thủ trách nhiệm của mình được quy định tại các quy chế phối hợp đã được ký kết. Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, huyện và chính quyền các xã thường xuyên thông báo mức độ ngập lụt tại khu vực hạ du các hồ để chủ hồ có thông tin, từ đó điều chỉnh chế độ xả tràn tối ưu. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, UBND các cấp và chủ hồ các hình thế thời tiết nguy hiểm, mưa lũ trên lưu vực, cũng như vùng bị ảnh hưởng; đồng thời, thông báo mực nước tại các trạm thủy văn để quyết định vận hành giảm lũ cho hạ du. Để nắm thông số vận hành hồ (mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng chạy máy, lưu lượng xả tràn của các hồ chứa), các bên liên quan thường xuyên truy cập trang thông tin điện tử do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cung cấp

Đại diện Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và lãnh đạo các địa phương vùng hạ du kiểm tra đập tràn thủy điện trước mùa mưa lũ 2022.

Ông Y Rin Buôc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Kar (huyện Lắk) cho biết, trên địa bàn xã có 7 buôn nằm trong vùng hạ du thủy điện Buôn Tua Srah. Mùa mưa lũ, vẫn có một số hộ dân tại địa phương canh tác dọc bờ sông nên có nguy cơ bị ảnh hưởng khi thủy điện vận hành, điều tiết. Do đó, bên cạnh hệ thống cảnh báo từ xa bằng loa phóng thanh của nhà máy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh, không xuống tắm, chăn thả gia súc trong phạm vi hành lang thoát lũ của nhà máy.

Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk, chính quyền và nhân dân vùng hạ du thủy điện đánh giá cao cơ chế phối hợp trong vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện vì mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối của công trình và an toàn cho vùng hạ du. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện luôn chú trong thực hiện trách nhiệm của mình trong quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị để hạn chế tối đa những thiệt hại do vận hành, điều tiết thủy điện trong mùa mưa lũ. Ông Quang cũng kiến nghị, trong quy chế phối hợp cần mở rộng thêm thành phần là các đơn vị quản lý công trình thủy lợi để có giải pháp ứng phó hợp lý.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.