Siết chặt quản lý hàng “xách tay”: Có dễ xử lý?
Dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu gắn mác hàng “xách tay” vẫn chưa thể xử lý triệt để.
Nở rộ hàng “xách tay”
Theo Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, theo quy định hiện nay, mỗi một cá nhân khi đi qua cửa khẩu sẽ được mang theo một lượng hàng hóa nhất định, nếu không vượt quá định mức tiêu dùng cá nhân thì sẽ không bị tính thuế nhập khẩu. Hiện, hầu hết lượng hàng hóa này được “xách tay” qua đường hàng không. Chính vì lý do đó, rất nhiều đối tượng đã lợi dụng quy định nêu trên để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng trốn thuế…
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác hàng “xách tay” diễn ra phổ biến, nhất là trên không gian mạng. Trên các trang Facebook, nhiều người livestream bán hàng “xách tay” một cách rất nhộn nhịp. Chỉ cần vào google gõ cụm từ “hàng xách tay”, ngay lập tức tìm thấy hàng trăm trang chuyên bán hàng “xách tay” hiện lên. Các mặt hàng được rao bán chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, túi xách, điện thoại di dộng... được giới thiệu mang về từ Mỹ, Hàn Quốc, hàng xách tay nội địa Nhật...
Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) phát hiện lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán ở huyện Ea Súp. |
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng và hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt quản lý hoạt động này, nhất là trên môi trường mạng. Cách đây không lâu, ngày 19/7, thông qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên nền tảng Facebook, Tổ công tác Thương mại điện tử (thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar). Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở này hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở đang kinh doanh số lượng lớn mỹ phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản và Thái Lan.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên được “xách tay” từ nước ngoài về thông qua người quen, sau đó đăng bán trên mạng xã hội Facebook để kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số lượng hàng hóa nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã xử phạt hành chính 61 triệu đồng đối với một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Theo đó, cơ sở này kinh doanh hơn 2.200 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa.
Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến việc mua hàng “xách tay” không bảo đảm chất lượng. Người tiêu dùng mua mỹ phẩm, giày dép... được rao bán trên mạng xã hội nhưng không có hóa đơn chứng từ nên không có cơ sở để giải quyết. Hội chỉ tư vấn, khuyến cáo người tiêu dùng cẩn thận khi mua hàng qua mạng Internet.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) thông tin: Thời gian qua, hoạt động kinh doanh hàng "xách tay" ở Việt Nam diễn biến vô cùng phức tạp. Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng "xách tay" đã thông qua những công cụ, như: website, Zalo, Facebook… chào bán các sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Thông qua các đơn đặt hàng, các tổ chức, cá nhân nói trên thu gom hàng hóa rồi thuê người vận chuyển dưới hình thức "xách tay" từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đức… về Việt Nam để tiêu thụ. Các loại hàng hóa này có giá rẻ hơn hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, do không phải đóng thuế cho Nhà nước
Hàng hóa không hóa đơn, chứng từ được giới thiệu là hàng "xách tay" bày bán ở thị trường huyện Cư M'gar được Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện. |
Còn nhiều khó khăn trong xử lý
Lý giải cho tình trạng hàng “xách tay” rầm rộ được mua bán, theo cơ quan chức năng, có phần do tâm lý sính ngoại, thích sử dụng hàng có thương hiệu nhưng giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia, các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển sang lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan, thông quan và hậu kiểm để buôn lậu, gian lận thương mại. Phương thức, thủ đoạn vi phạm cũng tinh vi hơn, phổ biến là: không khai báo hải quan; khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, giá trị, nguồn gốc, xuất xứ; phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển; thẩm lậu sau khi đã tạm nhập, tái xuất, quá cảnh; chia hàng nhỏ lẻ, khoán cung đoạn vận chuyển... Mặt khác, xu hướng phát triển tất yếu của hoạt động thương mại điện tử cũng khiến buôn lậu ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là lĩnh vực gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm soát và phát hiện, xử lý hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh, việc đối phó với kinh doanh hàng “xách tay” không dễ. Tại những địa điểm kinh doanh cố định, khi lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra, đối tượng kinh doanh thường trốn tránh, không hợp tác với nhiều lý do khác nhau. Hàng nhập lậu thường được người bán cất giấu ở một nơi khác ngoài địa điểm kinh doanh, khi khách có nhu cầu mua họ mới đưa ra bán. Cũng có tình trạng một số đối tượng nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ nước ngoài về sang chiết, đóng gói rồi dán nhãn hàng hóa ghi nơi sản xuất từ nước ngoài làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng là sản phẩm nhập khẩu chính hãng.
Một cái khó hiện nay nữa với hàng “xách tay”, nhập lậu là cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc phải chứng minh hàng hóa đó được buôn lậu qua biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) thì mới khởi tố được, còn khi hàng đã “lọt’ qua được biên giới, về lưu thông trên thị trường nội địa thì việc xử lý chủ yếu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính.
Do đó, để quản lý hiệu quả hoạt động này cần có sự ngăn chặn từ gốc. Trong đó, trọng điểm là siết chặt kiểm tra ở biên giới để kéo giảm tình trạng kinh doanh hàng lậu, trốn thuế trong nội địa.
Xử phạt nặng đối với các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Điểm đáng chú ý của nghị định này là xử phạt nặng hơn so với các quy định trước đây, nhất là với hoạt động kinh doanh hàng "xách tay". Cụ thể, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế... |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc