Multimedia Đọc Báo in

Tay trắng gây dựng mô hình đa cây, đa con

08:05, 17/10/2022

Sau một trận hỏa hoạn, gia đình ông Nguyễn Hữu Dũng, ở thôn 5, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Thế nhưng, vốn là người năng động, “dám nghĩ, dám làm”, đến nay, ông đã tạo dựng được mô hình kinh tế đa cây, đa con, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình…

Sau khi rủi ro ập đến với gia đình, ông mượn sổ đỏ của anh em để thế chấp ngân hàng, vay số tiền 140 triệu đồng để làm lại từ đầu. Ông dựng tạm chiếc chòi bên rẫy, hai vợ chồng không quản nhọc nhằn đào đất, san lấp. Ròng rã ngày này qua tháng nọ, từ vài sào ruộng, đến nay vợ chồng ông đã khai hoang, cải tạo thành cánh đồng lúa nước hai vụ rộng 1,7 ha, mỗi năm cho thu hoạch 30 tấn lúa. Số diện tích nước sâu không san lấp được ông đắp bờ làm 1 cái ao rộng 1000 m2 mỗi năm thu hoạch được gần 2 tấn cá. Ở trong vườn, ông thả thêm trên trăm con gà thịt và làm chuồng trại nuôi 4 con bò…

Sapoche trồng xen trong vườn cà phê nhà ông Dũng.

Tiếp đó, ông Dũng quyết định nuôi vịt, với số tiền vay mượn ông mua 3.000 con vịt về nuôi. Tuy nhiên, khi đàn vịt sắp đến kỳ xuất chuồng thì phải tiêu hủy vì mắc dịch cúm gia cầm. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ một phần, vợ chồng ông lại tiếp tục phát triển đàn vịt. Song một lần nữa dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn khiến ông phải tiêu hủy toàn bộ lứa vịt nuôi 2.500 con… Không bỏ cuộc, sau khi dịch bệnh được khống chế, ông vẫn tiếp tục đầu tư nuôi vịt. Và sự nhẫn nại, kiên trì của ông đã được đền đáp, những năm gần đây việc chăn nuôi vịt thuận lợi, mang về cho ông nguồn thu khá.

Để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có về đất đai, trên diện tích 2 ha cà phê, ông Dũng trồng xen canh cây ăn trái như: sapoche, vải thiều, ổi lai… Chung quanh ao cá, ông trồng dừa, trồng cau. Chỉ riêng mùa thu hoạch ổi vừa qua, gia đình ông thu trên 30 triệu đồng…

 Mùa nào thức nấy, với mô hình đa cây, đa con, mỗi năm đã mang lại cho gia đình ông Dũng khoản thu từ 300 - 400 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.