Thị xã Buôn Hồ tập trung phát triển cây trồng chủ lực
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nhân lực, thị xã Buôn Hồ đã và đang tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chủ động thay đổi hướng sản xuất
Gia đình anh Trần Khắc Dũng ở tổ dân phố (TDP) Tân Hà 3, phường Thống Nhất có 3,5 ha cà phê. Trước đây, dù bỏ rất nhiều công sức, chi phí để đầu tư chăm sóc nhưng do cây cà phê đã già cỗi nên năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha. Với giá bán dao động từ 35 - 40 triệu/tấn cà phê nhân, trừ đi chi phí đầu tư thì anh Dũng chẳng lời lãi được bao nhiêu.
Nắm bắt được thị trường cà phê trồng hữu cơ đang được ưa chuộng và giá bán cao hơn nhiều so với cà phê mình trồng hiện nay, anh lên mạng Internet tìm tài liệu học hỏi và bắt đầu chuyển sang làm cà phê hữu cơ.
Anh Trần Khắc Dũng ở tổ dân phố Tân Hà 3 (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) chăm sóc vườn cà phê hữu cơ của gia đình. |
Từ đây, tất cả những loại phân bón, thuốc hóa học sử dụng lâu nay được anh thay thế bằng phân hữu cơ, các loại chế phẩm sinh học. Các cây cà phê già cỗi được anh Dũng cắt bỏ để ghép giống mới cho năng suất cao.
Sau 3 năm cải tạo, vườn cà phê của gia đình anh đã “lột xác” hoàn toàn. Từ vườn cà phê già cỗi đã trở nên sung sức với những cành dài trĩu quả, cho năng suất đạt hơn 5 tấn cà phê nhân/ha. Với giá cà phê sản xuất hữu cơ khoảng 75 nghìn đồng/kg, 3,5 ha cà phê của gia đình anh đem lại thu nhập mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.
“Sản xuất cà phê hữu cơ tuy phải bỏ nhiều công sức, vất vả hơn nhưng cho ra thị trường sản phẩm an toàn, được người dùng ưa chuộng và có giá bán cao nên lợi nhuận cho người trồng cao hơn. Cùng với đó, sản xuất theo hướng hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường, giúp đất đai phì nhiêu và cây trồng phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân”, anh Dũng chia sẻ.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Hồ (TDP 4, phường An Bình), bà con xã viên vô cùng phấn khởi khi 15 ha sầu riêng của HTX đã được Trung Quốc công nhận mã vùng trồng - một bước tiến quan trọng để sầu riêng của HTX xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Hồ cho hay, xác định việc liên kết sản xuất để cùng nhau phát triển nên năm 2019 HTX được thành lập với 28 hộ có 72 ha trồng sầu riêng tham gia. Hiện nay, HTX có 50 ha sầu riêng thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân 20 - 25 tấn. Với giá bán khoảng 60 - 65 nghìn/kg, mỗi héc-ta sầu riêng cũng thu về cho người dân khoảng hơn 1 tỷ đồng/vụ.
“Khi vào HTX, các xã viên có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm chăm sóc cây trồng với nhau. Cùng với đó, việc liên kết cũng giúp bà con nông dân thuận lợi hơn khi ký kết các hợp đồng mua bán với các công ty, tránh được việc bị tư thương ép giá như trước đây”, ôngHuỳnh, Giám đốc HTX cho biết.
Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững
Thị xã Buôn Hồ hiện có 25.000 ha cây trồng các loại; trong đó các loại cây trồng chủ lực phải kể đến cây cà phê với diện tích khoảng 15.200 ha, hồ tiêu khoảng 3.617 ha, sầu riêng 1.232 ha, bơ khoảng 1.130 ha.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thị xã Buôn Hồ luôn xác định rõ phát triển các loại cây trồng chủ lực theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là yếu tố then chốt để ngành trồng trọt phát triển bền vững. Trong Quyết định về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 12-CTr/TU, ngày 10/02/2017 của Thị ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ đối với trồng trọt phát triển sản xuất các loại cây trồng theo hướng tập trung quy mô lớn; phát triển các nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả…
Vườn sầu riêng trĩu quả của ông Bùi Thanh Huỳnh thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Hồ. |
Gần đây, Thị ủy Buôn Hồ đã ban hành Nghị quyết số 02- NQ/TU, ngày 28/12/2020 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu trên địa bàn thị xã đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, chế biến sâu gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Võ Văn Sự, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ cho biết, để phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm, địa phương đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi đầu tư; thường xuyên tổ tập huấn cho người dân để cung cấp kiến thức trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn; làm “cầu nối” để doanh nghiệp gặp gỡ với người dân để thúc đẩy việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc