Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Kích hoạt chuyển đổi số cộng đồng

08:15, 08/11/2022

Với mục tiêu “chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm”, huyện Krông Pắc đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đưa chuyển đổi số đi vào cuộc sống, từng bước tạo nên cộng đồng số ngay từ mỗi thôn, buôn.

Từ mô hình điểm “Khu dân cư công nghệ số”

Với nhiều điều kiện thuận lợi, thôn Tân Đông, xã Ea Kênh được lựa chọn xây dựng mô hình “Khu dân cư công nghệ số” đầu tiên trên địa bàn huyện. Ông Trần Hồng Thái, Trưởng thôn Tân Đông tự hào giới thiệu, nhờ chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao, bà con trong thôn đã đạt mức thu nhập bình quân 75 triệu đồng/người/năm. Trình độ dân trí của bà con tương đối đồng đều, phần lớn người dân từ 16 tuổi trở lên đều sở hữu điện thoại thông minh có kết nối mạng 4G, sử dụng mạng wifi.

Người dân thôn Tân Đông, xã Ea Kênh tìm hiểu cách sử dụng và cài đặt ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile.

Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn chưa khai thác được tối ưu các tiện ích của công nghệ số, chủ yếu chỉ sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, các tiện ích kết nối thông tin liên lạc. Nhận thức rõ những hạn chế này, Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Tân Đông đang tích cực triển khai tuyên truyền về các ứng dụng công nghệ số đến từng người, từng nhà với trọng tâm là cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng thanh toán không tiền mặt, phần mềm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cách khảo sát sự hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức xã qua ứng dụng Zalo, hướng dẫn sử dụng Internet an toàn... VNPT Đắk Lắk chi nhánh Krông Pắc cũng hỗ trợ thôn xây dựng trang Zalo OA để chuyển tải các thông tin hoạt động, tuyên truyền của khu dân cư trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị của thôn còn huy động nhiều nguồn lực để giúp các hộ khó khăn nâng cao mức sống, thu nhập và dần tiếp cận với công nghệ số.

Là mô hình điểm cho toàn huyện, thôn Tân Đông đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ có khoảng 80% người dân có mạng Internet, 85% người từ 16 tuổi trở lên sử dụng các giải pháp số hóa và nâng dần lên mức 98% người từ 16 tuổi trở lên sử dụng các giải pháp số hóa vào năm 2025.

Lan tỏa phong trào chuyển đổi số trong cộng đồng

Từ thời điểm phát động vào Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 cho đến nay, phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025” do UBND huyện Krông Pắc phát động đã lan tỏa đến tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị cùng các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Toàn huyện hiện đã có 249 tổ công nghệ số cộng đồng, phủ khắp các thôn, buôn, tổ dân phố. Các tổ công nghệ số cộng đồng có sự tham gia của ban tự quản, ban công tác Mặt trận, hội viên các chi hội đoàn thể, giáo viên, công an viên, thanh niên... góp phần đưa chuyển đổi số đi vào cuộc sống từ địa bàn thuận lợi đến cả vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhân viên Viettel Đắk Lắk hỗ trợ người dân xã Tân Tiến sử dụng các tiện ích thanh toán không tiền mặt.

Đơn cử ở buôn Kniêr, xã Tân Tiến, dù phần lớn dân cư là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế chưa cao song phong trào thi đua chuyển đổi số đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều thành phần dân cư. Chị Rmah H’Pin, Trưởng buôn Kniêr cho hay, tổ công nghệ số cộng đồng của buôn gồm có 6 thành viên trẻ tuổi, thông thạo nhiều tiện ích công nghệ số để cùng tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Mỗi thành viên được phân công bám sát một khu vực dân cư, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ người dân mở rộng, nâng dần mức độ tự tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, mua bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết, đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã tổ chức lễ phát động chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, đặt ra mục tiêu, lộ trình hành động cụ thể, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Để chính quyền số, kinh tế số thực sự phát huy hiệu quả thì mỗi người dân phải là một công dân số, biết ứng dụng công nghệ số phục vụ đời sống ngày một hiện đại và tiện ích hơn, góp phần xây dựng cộng đồng số, xã hội số trong tương lai không xa.

Mục tiêu đến năm 2025, trên 80% hộ gia đình và 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử cũng như sử dụng thành thạo các ứng dụng tương tác với chính quyền điện tử.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.