Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Không tạo kẽ hở trong pháp luật quản lý giá

19:40, 07/11/2022

Theo chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 7/11 các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, Luật Giá hiện hành đã bộc lộ những điểm chưa hoàn chỉnh về phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế; tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, có những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, tính chặt chẽ, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá chưa được quy định rõ, như: dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số; công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục bổ sung các quy định trên nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Đại biểu cũng cho rằng, việc đảm bảo bổ sung chính sách về giá phù hợp với khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục nghiên cứu thêm, đảm bảo tính phù hợp. Sự phân cấp phân quyền trong thẩm định giá cần thể hiện thật rõ ràng; tránh chồng chéo về trách nhiệm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cấp địa phương.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cơ chế hiệp thương về giá cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra sự thông đồng, hoặc có lợi cho một bên. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn, đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá. Cụ thể vừa qua giá xăng, giá điện có biến động rất nhiều, điều chỉnh nhưng khó giảm, ảnh hưởng đến người sử dụng. Hoặc như việc điều chỉnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu cũng biến động, ảnh hưởng đến người dân khá lớn.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần đảm bảo phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, quyền tự định đoạt về giá. Vậy sự can thiệp của Nhà nước đến mức nào để đảm bảo sự phát triển kinh tế vĩ mô. Làm thế nào để đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh; tôn trọng quyền tự định giá của người cung cấp sản phẩm.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm Báo cáo tổng kết, đánh giá để xem xét bất cập, hạn chế đến mức nào, chính sách đề ra phải có đánh giá tác động; tránh việc giải quyết được khó khăn vướng mắc này thì lại phát sinh ra khó khăn vướng mắc khác; không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá...

Đóng góp ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; đồng thời kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu….

Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, đại biểu đề nghị cần có cơ quan quản lý nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng giá thầu rất quan trọng, đại biểu cho rằng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến được tiến hành đấu thầu lặp lại ở các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố đều phải tiến hành đấu thầu theo một quy trình giống nhau, làm mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị xây dựng giá tham chiếu để giảm thủ tục xây dựng hồ sơ mời thầu, thẩm định giá...

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc