Multimedia Đọc Báo in

Khoa học công nghệ tạo sức bật cho nông thôn mới

07:45, 30/11/2022

Khoa học công nghệ được kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là yêu cầu trọng tâm khi xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều đề tài khoa học về nông nghiệp

Để tạo sức bật cho khu vực nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí liên quan đến sản xuất và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, đến hết năm 2021, Đắk Lắk đã có một dự án nông thôn miền núi (cấp quốc gia) được nghiệm thu. Kết quả dự án chuyển giao và tiếp nhận thành công bốn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa thuần, lúa lai phù hợp với điều kiện địa phương, được ứng dụng trực tiếp tại huyện Lắk và huyện Krông Ana. Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp nhà nước tại Đắk Lắk về sản xuất ca cao theo quy mô công nghiệp. Dự án được ứng dụng trực tiếp tại Công ty Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana), tạo ra các dòng sản phẩm ca cao xuất khẩu trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mô hình thực nghiệm trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ.

Tỉnh cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 24/39 nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ, trong đó tập trung giải quyết các nội dung như: chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn khó khăn, như: Dự án vỗ béo bò thịt tại huyện Krông Bông; Quy trình công nghệ về cây dược liệu. Bên cạnh đó, có 33 đề tài được nghiệm thu và đang triển khai thực hiện 32 đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh. Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống mới có triển vọng về năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất và triển khai kết quả nghiên cứu trong xây dựng mô hình nhằm phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo tồn các giống vật nuôi tại địa phương.

Có thể nói, hoạt động khoa học và công nghệ triển khai của tỉnh để phục vụ xây dựng NTM đã bám sát chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư tăng cường, chú trọng công tác ứng dụng, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chú trọng khả năng ứng dụng

Thực tế cho thấy, Chương trình khoa học và công nghệ đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, tác động rõ nhất là các tiêu chí: thu nhập, việc làm, chất lượng sản phẩm… Ðiển hình, trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng như các giống heo lai, bò thịt lai giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế…

Mô hình thực nghiệm trồng sâm bố chính tại Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ.

Cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh cũng có bước đổi mới, đã huy động sự tham gia của doanh nghiệp nghiên cứu, liên kết với các viện,  trường trong công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng cải tiến công nghệ mới trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tiễn, như: ứng dụng các chế phẩm phòng trừ côn trùng hại rễ trong tái canh cà phê, tăng cường các ứng dụng vào vùng khó khăn thuộc các huyện nghèo trên địa bàn… Tuy nhiên, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2021 còn tồn tại một số khó khăn như việc lồng ghép với các chương trình khác còn hạn chế; ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng để tạo ra hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn...

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là cơ hội để nhận diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc của giai đoạn trước để cụ thể các giải pháp tập trung vào một số vấn đề quan trọng của NTM giai đoạn tới, như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp thông minh, giải quyết hiệu quả môi trường… Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 (vào tháng 10/2022), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, các đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương để giúp các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện... Bên cạnh đó, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện hiệu quả các đề tài, dự án thuộc chương trình nhằm đạt một số chỉ tiêu và sản phẩm đề ra, như: tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng NTM phải song hành để chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng NTM phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp; không chỉ chuyển giao công nghệ mà cần chuyển giao tri thức cho người dân nông thôn.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.