Multimedia Đọc Báo in

Phát triển công nghiệp chế biến: Tăng khả năng chế biến sâu

08:15, 10/11/2022

Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hạn chế lớn nhất trong ngành này là khả năng chế biến sâu chưa mạnh, sản phẩm tinh chế còn ít.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào, Đắk Lắk có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản. Tỉnh có 354.000 ha cây công nghiệp dài ngày, trong đó, cà phê có diện tích 213.000 ha, sản lượng 526.000 tấn; cao su 34.300 ha, sản lượng 38.000 tấn; hồ tiêu 32.800 ha, sản lượng 82.000 tấn; điều 27.700 ha, sản lượng 31.400 tấn; cây ăn quả 43.000 ha, sản lượng 400.000 tấn.

Một cơ sở chế biến dăm gỗ tại xã Cư M'ta, huyện M'Drắk.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma thuột và các huyện phụ cận. Ngành công nghiệp này chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đa phần các cơ sở công nghiệp chế biến có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất chưa hiện đại. Do năng lực chế biến còn thấp, nên khả năng thu hút nguyên liệu còn hạn chế, dẫn đến một số nông sản có sản lượng lớn khi vào chính vụ thì công suất chế biến không đủ đáp ứng, gây ùn ứ và tổn thất sản lượng lớn. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu sản xuất phân tán nên khó thu hút các dự án đầu tư chế biến công nghiệp quy mô lớn, trong khi đó chế biến quy mô vừa và nhỏ cũng chưa hiệu quả. Hệ số đổi mới thiết bị của các cơ sở sản xuất còn thấp, nhiều cơ sở chế biến trên 15 năm tuổi, nhưng công nghệ vẫn không được đổi mới khiến chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm không được cải thiện.

Do quy mô, năng lực chưa mạnh, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, nên sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, tinh chế chỉ chiếm khoảng 10 - 20% sản lượng. Ngoài ra, sản phẩm nông sản chế biến chưa đa dạng, vì thế hiệu quả đầu tư, sản xuất còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả sự đa dạng về nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường.

Thực trạng chung của công nghiệp chế biến có thể thấy rõ trong ngành cà phê – lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 315 cơ sở chế biến cà phê, nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp đủ năng lực chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan chất lượng cao, còn lại phần lớn là các cơ sở chế biến cà phê nhân, sản lượng chế biến sâu mới chiếm khoảng 3% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu.

Đối với ngành cao su, toàn tỉnh mới có 5 nhà máy chế biến mủ, tổng công suất 35.000 tấn/năm. Hiện nay, công nghiệp chế biến mủ cao su tại tỉnh chủ yếu ở dạng thô để xuất khẩu (sản phẩm mủ cốm gần 80%, mủ latex trên 20%) chứ chưa chế biến sâu thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Theo tính toán, sau khi sơ chế, giá trị của sản phẩm cao su tăng lên gấp 1,5 - 2 lần, nếu chế biến thành săm, lốp giá trị sẽ tăng gấp 8 - 10 lần, chế tạo thành các sản phẩm cao hơn thì giá trị tăng thêm 18 - 20 lần. Điều này để thấy, giá trị kinh tế của sản phẩm “vàng trắng” này sẽ cao như thế nào nếu được chế biến sâu.

Sản xuất đường tại Nhà máy đường Đắk Lắk (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp).

Theo ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương, để phát triển công nghiệp chế biến, gia tăng khả năng chế biến sâu và sản phẩm tinh chế, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và tập trung thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhiều tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, kho lạnh, logistics với quy mô lớn, dây chuyền chế biến hiện đại. Về phía doanh nghiệp chế biến, cần hợp tác, liên kết với nông dân, hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu, tạo thành chuỗi sản xuất giá trị cao, qua đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng đối với ngành cà phê, Sở Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm đầu tư các dự án chế biến sâu; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin giá cả, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 7,5% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa tăng hơn 110%, sản xuất đường RS tăng 52,3%, cà phê bột tăng gần 12,5%...

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.