Thực hiện lắp đặt cabin tại cơ sở đào tạo lái xe ô tô: Khó theo kịp lộ trình
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trước ngày 31/12/2022 tất cả các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và sử dụng cabin phục vụ cho công tác đào tạo. Quy định là thế, song quá trình triển khai thực tế, hầu hết cơ sở đào tạo lái xe ô tô cho rằng khó thực hiện và còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.
Mỗi cabin giá từ 400 - 500 triệu đồng
Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ GTVT sửa đổi Khoản 16, Điều 5 như sau: Cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành. Cabin học lái xe ô tô thực hiện theo lộ trình quy định tại Khoản 2, Điều 47 của Thông tư này. Cụ thể cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô trước ngày 31/12/2022. Như vậy, chưa đầy 2 tháng nữa, tất cả cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên phạm vi cả nước phải thực hiện quy định này, song hiện nay hầu hết vẫn chưa thực hiện được.
Tại Đắk Lắk, theo tính toán của Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên (trụ sở tại đường Hà Huy Tập, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), lưu lượng thực tế của đơn vị để tổ chức đào tạo và sát hạch lái xe ô tô là khoảng 1.600 học viên. Với quy mô này, để đầu tư cabin học lái thì cần khoảng 8 - 10 thiết bị, hiện tại giá thiết bị dao động từ 400 - 500 triệu đồng/chiếc. Như vậy, nếu trang bị 10 ca bin học lái thì Trung tâm cần nguồn kinh phí từ 4 tỷ đồng trở lên.
Học viên Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên) thực hành lái xe. |
Tương tự, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Thành Luân (trụ sở tại đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chung thực trạng. Theo quy định tại Thông tư 04, với lưu lượng đào tại lái xe ô tô của Trung tâm là 999 học viên, thì đòi hỏi phải trang bị từ 6 - 7 cabin học lái và như vậy doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất từ 2,4 - 2,8 tỷ đồng. Theo Trung tâm, việc đầu tư thêm thiết bị trong quá trình đào tạo, sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe khó tránh khỏi việc tăng mức học phí đối với người học và thi giấy phép lái xe. Thêm vào đó, trong bối cảnh đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 thì đây là số vốn rất lớn đối với Trung tâm.
Chưa thí điểm đã triển khai đại trà – có quá vội vàng?
Theo ý kiến của hầu hết các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện Bộ GTVT chưa chỉ định được đơn vị cung cấp có chứng nhận hợp quy của thiết bị cabin học lái xe ô tô. Do đó, các đơn vị đều cảm thấy băn khoăn và chần chừ trong việc triển khai thực hiện.
Phương tiện tập lái đậu tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Thành Luân. |
Theo Phó Giám đốc Trung tâm đào tào, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên Nguyễn Hoàng Sơn, hiện nay trên phạm vi cả nước, các đơn vị cung cấp thiết bị rất hạn chế, trong khi các doanh nghiệp lại chưa được kiểm định chứng nhận hợp quy nên Trung tâm rất băn khoăn. Nên chăng, Bộ GTVT cần xem xét gia hạn thêm thời gian áp dụng quy định này để tạo điều kiện cho các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe trên phạm vi cả nước có thời gian chuẩn bị về kinh phí, có nhiều nhà cung cấp thiết bị hơn để giá thành “mềm” hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm có kiến nghị, trước mắt Bộ GTVT chỉ thí điểm ở một số cơ sở, từ đó đúc kết kinh nghiệm để đánh giá hiệu quả và cả những vướng mắc, hướng khắc phục, sau đó mới áp dụng đại trà.
Đồng quan điểm với ông Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Thành Luân Vũ Hải Hà cho rằng, hiện chưa biết hiệu quả của thiết bị cabin như thế nào, trong khi đã áp dụng đại trà là chưa hợp lý. Do đó, cần phải xem lại tính hiệu quả trước khi áp dụng đại trà. Phải khẳng định rằng, với cabin điện tử, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng lái xe, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo ông, các tình huống mô phỏng trên cabin chủ yếu mang tính chất để tham khảo, còn thực tế người học lái và cả lái xe cần xử lý tốt các tình huống thật khi tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Đình Minh cho biết, thời gian qua Sở đã có nhiều văn bản về việc đôn đốc các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh thực hiện lắp đặt cabin học lái xe. Song do giá thành thiết bị cao nên các cơ sở vẫn đang trong quá trình tìm hiểu về các nhà cung cấp để lựa chọn và thực hiện lắp đặt theo quy định.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 9 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô; 2 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 3 trung tâm sát hạch lái xe ô tô. Đến nay chưa có cơ sở nào trên địa bàn tỉnh thực hiện việc lắp đặt cabin điện tử học lái xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 04 của Bộ GTVT. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc