Multimedia Đọc Báo in

Tìm hướng "mở" cho Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa

09:17, 07/11/2022

Trước tình trạng “dậm chân tại chỗ” vì thiếu chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm giải pháp gỡ vướng trong việc triển khai thực hiện.

Có thể cân đối vốn cho dự án

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh về việc tổ chức khảo sát đầu tư Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa, trong chuyến khảo sát, làm việc tại các huyện Lắk, Cư Kuin, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư) cùng các đơn vị liên quan vào tháng 9 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã đưa ra nhận định và đề xuất xác thực với các cấp có thẩm quyền về dự án này.

Hạng mục Hồ chứa nước Yên ngựa, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin tạm dừng thi công vì thiếu chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.  

Theo báo cáo của chủ đầu tư, thời điểm khái toán chi phí bồi thường, GPMB, lập hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, việc xác định kinh phí bồi thường, GPMB áp dụng đơn giá đất theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện bồi thường, GPMB lại áp dụng đơn giá đất theo Quyết định số 22/2000/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 của UBND tỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí bồi thường, GPMB so với phê duyệt nhưng chưa được báo cáo cho cấp có thẩm quyền, xem xét, bổ sung vốn kịp thời để thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ thi công, gây ra tình trạng bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, trong khi nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương có sẵn nhưng không được dùng cho chi phí bồi thường, GPMB. Mặt khác, đây là dự án chuyển tiếp nhưng không có trong danh mục công trình được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Cân nhắc những thuận lợi, khó khăn trong việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án hay dừng lại, Thường trực HĐND tỉnh nhận định, nếu dừng triển khai dự án thì áp lực bố trí vốn đầu tư công của tỉnh sẽ giảm, Trung ương sẽ rút vốn, trong khi nguồn vốn Trung ương đã được tạm ứng trên 88%, khối lượng đang xây lắp dang dở sẽ gây ra tình trạng lãng phí và dư luận không tốt trong nhân dân. Mặt khác, người dân vùng dự án đã sẵn sàng cho việc thu hồi đất nhưng chưa được bồi thường sẽ tiếp tục khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở. Trong khi đó, chủ trương, mục tiêu của dự án không đạt được, người dân không được thụ hưởng lợi ích từ dự án và tỉnh sẽ phải giải quyết các hậu quả phát sinh từ việc dừng triển khai dự án.

Còn nếu dự án tiếp tục được triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ thi công, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì địa phương và nhân dân trong vùng dự án ít nhiều cũng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh vốn đầu tư công trung hạn, kể cả nguồn dự phòng giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã được phân bổ hết, nguồn vốn giai đoạn 2 của dự án chưa được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, cùng với việc tăng cao kinh phí đền bù, GPMB và chi phí xây lắp sẽ tạo ra áp lực về cân đối vốn đầu tư công của tỉnh.

Trước những thách thức của “bài toán” vốn, từ kết quả khảo sát, thực trạng, hồ sơ, số liệu, thông tin, dư luận, nguyện vọng của nhân dân trong vùng dự án cùng đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, trước đề xuất của Thường trực HĐND tỉnh, đồng thời qua trao đổi UBND tỉnh cho biết vẫn có khả năng để cân đối vốn cho dự án, Đảng đoàn HĐND tỉnh thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc cho tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa.

Xác lập tổng thể phương án đầu tư hiệu quả nhất

Theo Thường trực HĐND tỉnh, việc khảo sát thực tế Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa chỉ mang tính trực quan và các số liệu, thông tin chủ yếu dựa vào báo cáo, hồ sơ của các cơ quan, đơn vị cung cấp nên chỉ đánh giá sơ bộ thực trạng triển khai dự án, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, do đó, chưa đủ cơ sở khoa học, chuyên môn và thực tiễn để đánh giá đầy đủ tính hiệu quả, tính khả thi, mức độ tác động của dự án đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Một công trình thuộc hạng mục Hồ chứa nước Yên Ngựa, xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) bỏ dở bị hoen gỉ sét.

Để đảm bảo cho dự án thực hiện đầu tư đúng theo mục tiêu, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội trong thực tiễn, phục vụ tốt nhất cho địa phương và nhân dân, mới đây, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai rà soát tổng thể, đánh giá khả năng sinh thủy của hạng mục Hồ chứa nước Yên Ngựa. Cân nhắc việc giảm diện tích đền bù, GPMB, điều chỉnh quy mô có ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, dung tích chứa nước và tác động đến dân sinh cũng như những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục để xác lập tổng thể phương án đầu tư hiệu quả nhất.

Cùng với đó, rà soát, xác định chính xác diện tích đất cần phải thu hồi và toàn bộ kinh phí bồi thường, GPMB tương ứng; chi phí xây dựng; tránh việc tiếp tục phát sinh nhu cầu vốn khi dự án được phép tiếp tục triển khai thực hiện theo hướng đầu tư công trình nào hoàn thiện dứt điểm công trình đó. Trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát nguồn vốn đầu tư để bố trí cho dự án đảm bảo theo quy định của pháp luật và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã được thông qua, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định và chỉ đạo thực hiện.

Ngoài tăng chi phí đền bù, GPMB, hiện chủ đầu tư đã ký 3 hợp đồng xây lắp tổng giá trị 198,3 tỷ đồng, vượt 36,1 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo chủ trương của HĐND tỉnh phê duyệt và kế hoạch bố trí vốn của UBND tỉnh; triển khai việc thi công xây dựng khi chưa hoàn thành công tác đền bù, GPMB và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; đến thời điểm hiện tại tổng giá trị khối lượng hoàn thành của dự án trên tổng hợp đồng xây lắp đã ký mới chỉ đạt 6,97%... Liên quan đến vấn đề này, Đảng đoàn HĐND tỉnh cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến những tồn tại, bất cập trong việc triển khai dự án.

Có thể thấy, trước những khó khăn, vướng mắc kèm theo nguy cơ dừng triển khai, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang nỗ lực gỡ vướng, tìm ra hướng “mở” để Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa tiếp tục được thực hiện, bảo đảm quyền lợi của người dân có đất thu hồi tại dự án. Tuy nhiên, mọi sự xem xét, điều chỉnh cần được triển khai khẩn trương, kịp thời, bởi lợi ích từ dự án thì chưa thấy nhưng những tổn thất người dân phải gánh chịu là đã rõ ràng.

Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được chia làm 2 giai đoạn, triển khai thực hiện từ năm 2018 – 2022. Dự án chưa hoàn thiện xong giai đoạn 1 thì đã tạm dừng thi công do tổng mức đầu tư theo đề xuất mới nhất của chủ đầu tư tăng từ 305,5 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng (tăng 174,5 tỷ đồng so với tổng mức phê duyệt ban đầu). Trong đó, chủ yếu vốn thực hiện công tác GPMB từ mức 47,8 tỷ đồng đề nghị tăng lên hơn 181 tỷ đồng (tăng khoảng 133 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với phê duyệt của tỉnh).

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.