Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội vùng biên làm nông nghiệp công nghệ cao

08:32, 27/12/2022

Sau thành công bước đầu của mô hình trồng cây ca cao và chuối Nam Mỹ xuất khẩu, đầu năm 2019, Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 737 tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp đầu tư trồng mới gần 500 ha mít Thái xuất khẩu, theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Good Agricultural Practice - Chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tại thôn 12, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp).

Đến nay, vườn cây đã bắt đầu đơm hoa, kết trái, hứa hẹn sẽ mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch quy mô lớn, có thể xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân trên địa bàn.

Tham quan vườn cây mít Thái của Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Phương Nam Xanh, ai cũng trầm trồ khi chứng kiến việc vun gốc, làm cỏ, bón phân bằng phương tiện, máy móc chuyên dụng; sử dụng thiết bị bay không người lái, điều khiển từ xa, công suất lớn để phun thuốc trừ sâu; tưới nước, giữ ẩm theo công nghệ tự động, nhỏ giọt hiện đại của Israel; những hàng cây cành lá sum suê, thẳng đều tăm tắt, dài hàng cây số; công nhân lao động đều được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ quần áo, dụng cụ bảo hộ… Nếu không được bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Công ty cho xem những bức ảnh, thước phim tư liệu cũ, thật khó để mọi người có thể hình dung, chỉ cách đây chưa đầy 4 năm, khu vực vườn mít từng là những bãi đất trống bỏ hoang, um tùm cỏ dại.

Công nhân Công ty Phương Nam Xanh điều khiển thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu bảo vệ vườn cây.

Để chuẩn bị cho vụ mít đầu tiên (dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 7/2023), Công ty Phương Nam Xanh đã mạnh dạn đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng để tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng, hoàn thiện các khu nhà ở, nhà làm việc, hệ thống sân bãi, nhà kho, trạm chế biến, trạm cân với diện tích hàng vạn mét vuông. Hiện nay, công ty đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhiều đối tác lớn của Trung Quốc. Toàn bộ mít Thái sau khi thu hoạch dự kiến sẽ được phân loại, đóng gói, vận chuyển, bàn giao theo một quy trình khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Theo ông Đặng Công Nguyên, cán bộ quản lý công ty, hiện nay, trên cả nước có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư trồng mít Thái quy mô lớn, song số lượng đơn vị áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy chi phí đầu tư lớn hơn hẳn, song với ưu thế chất lượng vượt trội, công ty kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ từng bước tiếp cận được các thị trường khó tính nhất.

Bên diện tích vườn cây rộng 50 ha do mình phụ trách, kỹ sư nông nghiệp Hà Văn Ngọc phấn khởi cho biết: “Nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan, chuyên gia nông nghiệp đầu ngành, vườn cây của chúng tôi hiện đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Theo cam kết của đơn vị cung cấp cây giống, đây là loại mít Thái cơm dày, giòn, ngọt, có màu vàng nghệ. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm một cây có thể cho từ 15 - 20 quả, với trọng lượng trung bình từ 12 – 15 kg/quả. Ngoài các cán bộ, kỹ sư nông, lâm nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học, hiện nay, có gần 200 lao động phổ thông đang làm việc tại công ty, với mức thu nhập ổn định từ 6 - 12 triệu đồng mỗi tháng, tùy từng vị trí. Các công đoạn chính đều do máy móc thực hiện, nên công việc hằng ngày của họ chủ yếu là đi kiểm tra, tỉa cành, cắt đọt, tuyển hoa, phòng, chống ngã đổ cho cây”.

Mô hình trồng cây ăn trái của bộ đội đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân huyện Ea Súp.

Gần trưa, từ trụ sở công ty, dưới sự điều khiển của các công nhân, 4 thiết bị bay không người lái cất cánh, tỏa về các hướng, tiến hành phun thuốc trừ sâu bảo vệ vườn cây. Vừa ngồi một chỗ “lái máy bay”, “phi công” kiêm kỹ sư nông nghiệp Hà Văn Hiếu vừa cho biết: “Gọi là điều khiển nhưng thực tế tôi chỉ cần bấm nút kích hoạt, sau đó, thiết bị sẽ tự động bay theo hành trình, quỹ đạo đã được lập trình sẵn. Khi hết nhiên liệu, hóa chất, thiết bị cũng biết tự tìm về để tiếp thêm. Trung bình, mỗi giờ, một thiết bị bay sẽ phun được 8 ha diện tích bề mặt, bảo đảm không bỏ sót bất cứ chỗ nào. Áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, công ty chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học nên rất an toàn, thân thiện đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh”.

Theo Đại tá Nguyễn Thế Thái, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 737, Ia R’vê và Ia Lốp là hai xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Ea Súp. Trước đây, do đất đai khô cằn sỏi đá, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên mỗi năm, bà con trong vùng chỉ canh tác được một vụ, sau đó lại phải phiêu bạt khắp nơi làm thuê, làm mướn, kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái, gia đình. Trước thực tế đó, những năm qua, đơn vị đã chủ động mời gọi, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, đầu tư triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới; nếu thành công, hiệu quả sẽ từng bước hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Hà Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.