Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tăng gia của bộ đội vùng biên

15:23, 23/11/2019

Đứng chân trên địa bàn hai xã vùng biên Ia R’vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp), những năm qua, các cán bộ, đội viên Đội 2, Đội 5 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737, Quân khu 5) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, quản lý đất đai, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động giúp dân xóa đói giảm nghèo, mà còn là những điển hình trong việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi.

Bên những vạt lúa đen xanh tốt nằm rải rác ở thôn Đừng, Chiềng, Nhạp, Đai Thôn, Lầu Nàng, Đóng (xã Ia Lốp) với tổng diện tích rộng gần 6 ha, thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng, Đội trưởng Đội sản xuất nông lâm 2 phấn khởi cho hay: “Lúa đen hay còn gọi là lúa khẩu xiên lăm (lúa nương) là giống lúa quý, rất thơm ngon của đồng bào dân tộc Thái, khá phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được các hộ dân di cư từ Thường Xuân (Thanh Hóa) đưa vào từ hàng chục năm trước.

Ưu điểm lớn nhất của giống lúa này là khả năng sinh trưởng, sức đề kháng tốt, ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, giá thành cao. Khi mùa mưa đến, chỉ cần làm đất, sạ giống rồi “để đó”, 5 tháng sau sẽ được gặt. Bình quân mỗi vụ, chúng tôi thu được 10 – 12 tấn thóc. Theo kinh nghiệm dân gian “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, thế nhưng lúa đen chỉ ưa đất lạ”, nếu không đổi đất thường xuyên, người nông dân rất dễ trắng tay”.

Vườn rau xanh của cán bộ, nhân viên Đội 5.
Vườn rau xanh của cán bộ, nhân viên Đội 5.

Tuy quân số chỉ có 4 người, nhiệm vụ chuyên môn luôn bận rộn nhưng ngoài trồng lúa, hiện nay Đội 2 còn trồng được hơn 5 ha sắn cao sản, đậu đen, ngô đỏ. Tận dụng khu đất trống trong khuôn viên của Đội, các anh luôn duy trì ổn định từ 40 – 50 con heo đen, 100 con gà, 50 con vịt và 2 sào rau xanh các loại, tự túc hoàn toàn nhu cầu về thịt lợn, thịt gà, rau xanh và trứng gia cầm. Phục tài chăn nuôi, trồng trọt của các anh, các tổ chức hội, đoàn thể của địa phương thường xuyên tổ chức cho bà con nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm, cách thức phát triển kinh tế. Với ai, các anh cũng sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ tận tình. Các hộ dân sống ở gần đội chiều nào cũng được bộ đội mời sang cho rau, cho trứng. Tình cảm quân dân càng trở nên sâu đậm.

Ở xã Ia R’vê, các cán bộ, nhân viên Đội 5 được bà con thôn 2, thôn 3 và thôn 5 gọi vui là những “chuyên gia nông nghiệp” vùng biên bởi khả năng chăn nuôi, trồng trọt rất giỏi. Đất đai khô cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, nhưng với hơn 20 ha lúa, đậu đen, sắn, rau xanh, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, Đội 5 còn thu được hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đắc Thống, Đội trưởng Đội 5 chia sẻ: “Để quản lý tốt 3.200 ha đất các loại, hạn chế thấp nhất tình trạng lấn chiếm, xâm canh, xâm cư, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, canh gác, tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật và các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn khác, chúng tôi nhận thấy việc thiết lập những “hàng rào mềm” cũng rất hiệu quả”.

Trước mỗi vụ mùa, bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, ở khu vực nào đều được các anh tính toán, cân nhắc tìm lời giải cho phù hợp. Thay vì canh tác nơi “ruộng vàng, đất mật”, những người lính Đội 5 thường chọn các thửa đất khô cằn ở khu vực giáp ranh để xuống giống, lấy đó làm “hàng rào mềm” nhằm giữ đất, chống lấn chiếm. Quá trình chăm sóc vườn cây là quá trình tuần tra, canh gác, bảo vệ đất. Hiệu quả lao động vượt trội từ những mảnh đất bạc màu là thông điệp ý nghĩa mà bộ đội muốn gửi gắm đến bà con về tinh thần lao động, hăng say vượt khó.

Khu vực nuôi heo lai rừng của cán bộ, nhân viên Đội 2.
Khu vực nuôi heo lai rừng của cán bộ, nhân viên Đội 2.

Quỹ vốn thu được từ tăng gia sản xuất, chăn nuôi được các đội dành để tái đầu tư, xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường đơn vị và đẩy mạnh các hoạt động dân vận, kết nghĩa. Ngày khai giảng năm học hằng năm, các anh đều trao những phần quà thiết thực, ý nghĩa tặng các em học sinh nghèo vượt khó ở vùng biên. Mới đây, sau khi được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 hỗ trợ bò giống, vườn cây, vịt trời, gia đình các ông Phạm Minh Luân, Cầm Bá Dũng, Hà Văn Lê (xã Ia R’vê), Lương Văn Khăm, Lò Văn Liêm (xã Ia Lốp) còn được cán bộ, nhân viên các đội sản xuất nông lâm đến tận nhà tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ ngày công làm đất, đào hố, xây dựng, cải tạo chuồng trại, mặt nước…

Chứng kiến những việc làm nghĩa tình của bộ đội, ông Vi Văn Thiết – Trưởng thôn Chiềng, vốn là công nhân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 cảm kích: “Từ sự hướng dẫn, giúp đỡ của bộ đội, hàng chục hộ dân trong thôn đã từng bước thoát nghèo. Lúc cặp heo, con bò, khi bó rau, quả trứng, chúng tôi thường xuyên được các chú hỗ trợ kinh phí, nhân công để tổ chức các hoạt động cho bà con khi lễ tết hay lúc ốm đau, hoạn nạn. Với người dân vùng biên, các chú bộ đội chẳng khác nào người thân ruột thịt”.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.