Giải ngân vốn đầu tư công: Khó về đích đúng hạn
Giải ngân vốn đầu tư công đang bước vào giai đoạn "chạy nước rút" để về đích. Tuy nhiên, đến nay dù chỉ còn ít ngày nữa là hết năm tài chính 2022, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn.
Thực hiện nhiều giải pháp
Nhận thấy giải ngân đầu tư công vẫn là "điểm nghẽn" trong tiến trình hồi phục nền kinh tế hậu COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký nhiều văn bản thúc giục các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, mà mới đây là Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đối với các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2023, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết trong năm 2022 để sẵn sàng giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.
Thi công hạng mục cầu cạn (Dự án Đường Đông Tây). Ảnh: Minh Thông |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo giải ngân đạt mức cao nhất theo kế hoạch đề ra, Đắk Lắk đã triển khai kế hoạch kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh cho từng dự án theo Quyết định số 1411/QĐ-UBND, ngày 23/6/2022 của UBND tỉnh.
Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm ba phó chủ tịch UBND tỉnh và một giám đốc sở làm trưởng đoàn). UBND tỉnh cũng tham mưu kịp thời để Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có lộ trình từng việc cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Rà soát, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 44 dự án, để tăng vốn 41 dự án, với số vốn hơn 205,8 tỷ đồng dựa trên cơ sở tình hình thực hiện các dự án. Đồng thời do nguồn vốn đầu tư công năm 2022 bị hụt so với kế hoạch giao đầu năm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2022 từ hơn 3.646 tỷ đồng xuống còn hơn 3.208 tỷ đồng (giảm 438 tỷ đồng).
“Tỉnh tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh. |
Liên quan đến mỏ đất vật liệu xây dựng, trong thời gian qua, các đơn vị đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất năm 2022 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc giải quyết các mỏ đất phục vụ thi công công trình. Các chủ đầu tư cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp và chủ động thực hiện các thủ tục về nghiệm thu, quyết toán để giải ngân vốn của dự án kịp thời.
Còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý là hơn 614,5 tỷ đồng. Đến ngày 7/12/2022 đã giải ngân hơn 202,4/614,5 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch. Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 phân bổ chi tiết cho các dự án sau điều chỉnh giảm là hơn 3.480 tỷ đồng. Đến ngày 7/12/2022, đã giải ngân được hơn 1.420/3.480 tỷ đồng, bằng 40,8% kế hoạch.
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp.
Ngoài các nguyên nhân chung như: biến động giá vật liệu xây dựng các tháng đầu năm; vấn đề thiếu đất đắp cho công trình, nhiều địa phương chưa quy hoạch mỏ đất để khai thác thực hiện công trình; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm; chủ đầu tư chưa thật sự chủ động trong triển khai công tác lập, thẩm định, giải phóng mặt bằng… thì còn có nguyên nhân do các công trình mở mới của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chủ yếu tập trung trong năm 2022, tổng vốn gần 951 tỷ đồng (chiếm 83% kế hoạch năm 2022), hầu hết là các dự án nhóm B, do đó quy trình đấu thầu mất nhiều thời gian hơn.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, chủ yếu đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất nhưng việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án (tổng số vốn hụt thu năm 2022 là 390 tỷ đồng).
Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao năm 2022. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, để triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời kiến nghị bộ, ngành Trung ương cùng các nhà tài trợ giảm những thủ tục không cần thiết liên quan đến quy trình của nhà tài trợ, đẩy nhanh thời gian xin ý kiến không phản đối; sớm xem xét các thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư và nội dung liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án ODA làm cơ sở để các chủ đầu tư triển khai các chương trình, dự án ODA đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kiến nghị nào được giải quyết.
Có thể nói, thời điểm hiện tại, các đơn vị, chủ đầu tư đang khẩn trương nghiệm thu, quyết toán để giải ngân vốn của các dự án. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay, trong khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ kết thúc năm, nhiều khả năng kế hoạch vốn được giao sẽ không thể về đích kịp trong năm 2022.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc