Multimedia Đọc Báo in

“Tăng tốc” giải ngân vốn đầu tư công

07:48, 21/09/2022

Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk nằm trong nhóm 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp nhất cả nước. Thực tế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương để “tăng tốc” giải ngân vốn trong những tháng cuối năm.

Giải ngân thấp, đủ thứ lý do

Cụ thể, kế hoạch đầu tư công năm 2021 đã được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý là hơn 614 tỷ đồng. Tính đến ngày 13/9/2022 mới giải ngân hơn 85,4 tỷ đồng, tương đương 13,9% kế hoạch. Vốn đầu tư công năm 2022 đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch gần 3.511 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị, chủ đầu tư đã giải ngân gần 910 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch. Có 6 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, 9 đơn vị giải ngân dưới tỷ lệ bình quân chung của tỉnh, trong đó 4 đơn vị dưới 10%, 5 đơn vị dưới 26%. Đối với dự án khởi công mới bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, năm 2022, tỉnh bố trí cho 20 dự án, với tổng số vốn 951 tỷ đồng. Đến ngày 13/9, mới chỉ giải ngân được 29,9 tỷ đồng, tương đương 3,1% kế hoạch.

Hồ thủy lợi Ea Tam là dự án trọng điểm của tỉnh đang trong giai đoạn thi công.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp là do một số dự án thuộc kế hoạch vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022 đang chờ phê duyệt quyết toán, chờ nghiệm thu khối lượng hoàn thành và đang chờ kết luận của thanh tra, kiểm toán nên chưa thực hiện giải ngân; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm. Đối với vốn ngân sách Trung ương, các công trình mở mới của kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 chủ yếu tập trung trong năm 2022, hiện vẫn đang trong quá trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tổng dự toán, chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, phần lớn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất nhưng việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án. Bên cạnh đó, qua kiểm tra của tổ công tác của UBND tỉnh, một số dự án đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng hoặc đang trình quyết toán nhưng các chủ đầu tư không thực hiện giải ngân. Với các dự án ODA, các chủ đầu tư đăng ký vốn 2022 cao hơn so với nhu cầu thực tế. Qua làm việc tại một số huyện của tổ công tác giải ngân cho thấy, nhiều dự án có khối lượng thực hiện, nhưng thiếu vốn để giải ngân, đặc biệt là những dự án được bố trí từ tiền thu sử dụng đất và nguồn thu bán tài sản sở hữu Nhà nước.

Riêng UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, có một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là thành phố chưa được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, nên không có căn cứ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2022. Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố khá lớn, với 1.575 tỷ đồng. Một số công trình thay đổi kế hoạch vốn, thành phố đang tiến hành làm thủ tục để điều chỉnh, nên khả năng hoàn thành công trình là rất khó.

Còn theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn, về nguyên nhân giải ngân chậm là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong đó vướng mắc chính là kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể, đến tháng 7/2022, các địa phương mới có kế hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng lớn về mặt bằng xây dựng. Hơn nữa, tình hình thời tiết năm nay mưa sớm, ảnh hưởng lớn đến khả năng đẩy nhanh tiến độ, ví dụ các công trình đường cần trải bê tông. Đối với dự án chuyển tiếp, đơn vị có 8 dự án cần điều chỉnh đơn giá hợp đồng, hiện đang làm thủ tục theo quy định.

Phải có giải pháp đột phá thúc đẩy giải ngân vốn

Để bảo đảm một phần nguồn vốn giải ngân cho các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh cho sử dụng 175,4 tỷ đồng tiết kiệm chi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh từ nguồn hủy kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2020 kéo dài sang năm 2021 hết thời hạn giải ngân và các đơn vị giảm tạm ứng. Bên cạnh đó, các đơn vị được giao thực hiện dự án tạo nguồn thu sử dụng đất là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền bán đất để bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các công trình đã có trong kế hoạch.

Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn có 14 dự án mới, có dự án chuẩn bị mở thầu, có dự án chuẩn bị phê duyệt, trong quý 4 sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và hoàn thành công tác đấu thầu nhằm tăng nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch của năm 2022.

Một hạng mục của công trình đường Đông - Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đại diện UBND TP. Buôn Ma Thuột, bắt đầu từ tháng 6, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022, thường xuyên rà soát, xử lý, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu giải ngân hết số vốn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các công trình có điều chỉnh, thẩm tra, quyết toán… rất cần các sở, ngành sớm thẩm định phê duyệt để làm cơ sở triển khai các dự án, góp phần giải ngân vốn. Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp và sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của thành phố để địa phương làm các bước quy trình thủ tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng. Đối với công trình hồ thủy lợi Ea Tam, đường Đông Tây đang thiếu khoảng hơn 30.000 m3 đất đắp thì UBND tỉnh cần sớm phê duyệt chủ trương để đơn vị triển khai lấy đất ở vị trí đã được xác định, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành thông tuyến và thông xe kỹ thuật đường Đông Tây vào ngày 30/12 theo như cam kết.

Theo ông Nguyễn Công Điều, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk, để giải ngân vốn hiệu quả, Kho bạc sẽ đôn đốc chủ đầu tư để thu hồi tạm ứng sớm, hằng tháng báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan để phối hợp thu hồi tạm ứng. Bên cạnh đó, nguồn thu tiền sử dụng đất hiện đạt trên 2.010 tỷ đồng (ngân sách tỉnh thu 604 tỷ đồng, các huyện, thành phố hơn 1.400 tỷ đồng), các sở ngành liên quan cần kịp thời bố trí cho các dự án, chủ động để thực hiện. Tuy nhiên, Sở Tài chính phải sớm có thông báo cho Kho bạc để giải ngân nguồn này, vì có một số dự án đang dừng lại do phải chờ thông báo của Sở Tài chính.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải tập trung hơn nữa, có các giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt kết quả cao nhất. Tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế, Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk, tổng số vốn đầu tư công đang tạm ứng trên địa bàn tỉnh đến ngày 13/9 là trên 2.135 tỷ đồng, trong đó, quá hạn trên 900 tỷ đồng. Có những dự án tạm ứng quá hạn kéo dài từ năm 2016, 2017 đến nay.

Minh Chi – Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.