Hơn 1.500 tỷ đồng để bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu trong dịp này có tổng giá trị hơn 1.510 tỷ đồng. Việc xây dựng, ban hành kế hoạch dựa trên cơ sở tính toán nhu cầu tiêu dùng bình quân trong một tháng của khoảng 1,8 triệu dân trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu tiêu dùng tăng 20% trong dịp Tết.
Nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gồm: lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả), nhiên liệu. Thời gian bình ổn, từ ngày 30/11/2022 đến ngày 30/2/2023.
Hiện đã có 10 doanh nghiệp lớn xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng tiêu dùng, nhiên liệu với khoảng gần 425 tỷ đồng; đáp ứng hơn 23% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trường hợp nếu có xảy ra tình trang khan hiếm nguồn hàng hóa. Ngoài ra, một lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng, các chợ trên địa bàn phục vụ nhu cầu cuối năm cũng là một kênh lớn đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh.
Người dân mua sắn tại chợ Tân An (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh minh họa) |
UBND tỉnh giao các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan trong chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Đối với Sở Tài chính, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá.
Sở Công thương theo dõi sát diễn biến, thông tin thị trường, cung cầu hàng hóa; tổ chức điều phối hàng hóa của các doanh nghiệp khi thị trường có biến động; chủ động phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hoá; thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bình ổn giá của các đơn vị tham gia; hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp lễ, Tết.
Cục Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, như: đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gian lận thương mại; phối hợp với sở, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá.
Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị sản xuất tạo nguồn hàng hóa nông, thủy sản ổn định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn, giới thiệu trang trại, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, đầu mối cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn để Sở Công thương kết nối tham gia hệ thống bán hàng bình ổn.
Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại chủ động lên kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên nhiên vật liệu nhằm bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt; triển khai các điểm bán hàng bình ổn và tổ chức thực hiện các đợt bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn…
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc