Multimedia Đọc Báo in

Người dân đồng lòng hiến đất làm đường

08:28, 06/12/2022

Dù cuộc sống còn khó khăn, thế nhưng hầu hết các hộ dân sinh sống dọc những tuyến đường hai buôn Dlung 1A và Dlung 1B (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường khang trang, sạch đẹp, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc.

Những ngày vừa qua, người dân buôn Dlung 1B tất bật tháo dỡ hàng rào, chặt cây cối; thậm chí, có hộ còn tự nguyện tháo dỡ nhà lùi vào bên trong để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công mở rộng các tuyến đường trong buôn. Trước đây, những con đường trong buôn là đường đất rất nhỏ hẹp nên việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Ông Y Chiến Niê, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Dlung 1B chia sẻ, bao nhiêu năm qua, người dân buôn Dlung phải đi lại trên những con đường đất lầy lội nên khi Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường bê tông, bà con đồng lòng hiến đất để mở rộng đường. Bởi ai cũng hiểu có được đường bê tông rộng rãi thì việc giao thương sẽ thuận lợi, thúc đẩy cuộc sống phát triển hơn. Do đó, dù bận rộn, vất vả thu dọn nhà cửa, vườn tược nhưng những người dân ở dọc trục đường nội buôn đều phấn khởi, háo hức mong chờ vào những điều tốt đẹp hơn đang đến.

Căn nhà của gia đình chị H Thona Niê di dời vào trong để đơn vị thi công làm đường.

Đơn cử như hộ gia đình chị H'Thona Niê có nhà nằm sát mặt đường, theo kế hoạch thì con đường mở rộng sẽ vào đến 1/3 căn nhà. Sau khi được cán bộ phường và buôn đến vận động, giải thích gia đình đã tự nguyện tháo dỡ, di dời căn nhà lùi sâu vào phía trong. Chị H'Thona bày tỏ, dẫu biết “tấc đất, tấc vàng”, đất đai là tài sản có giá trị, nhưng việc làm đường sẽ mang lại những giá trị lớn hơn nên  gia đình tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng. Căn nhà cũ bằng gỗ nên việc tháo dỡ cũng thuận lợi, hơn nữa gia đình chị còn được UBND phường Thống Nhất hỗ trợ xi măng, gạch để dựng lại nhà, hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh.

 

Sau khi giải phóng mặt bằng, các tuyến đường ở hai buôn Dlung 1A và Dlung 1B đang được thi công nâng cấp, mở rộng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 1 năm 2023.

Tương tự ở buôn Dlung A, người dân cũng đồng lòng hưởng ứng hiến đất mở rộng đường giao thông. Trong đó, có những hộ hiến hàng trăm mét, như gia đình anh Y Hip Kbuôr (Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Dlung 1A) đã tự nguyện tháo gỡ hàng rào, lùi vào khoảng 2 m với chiều ngang cả trăm mét bám mặt đường, tính ra tổng diện tích đất hiến làm đường hơn 200 m2. Anh Y Hip tâm sự rằng, gia đình anh tiên phong hiến đất để làm gương cho bà con noi theo. Có con đường thông thoáng, sạch đẹp sẽ giúp người dân vơi đi nỗi lo lắng đường lầy lội mỗi khi mùa mưa đến, nhất là việc đi lại học tập, vui chơi của thiếu nhi trong buôn không còn lo trơn trượt. Hay như gia đình ông Y Út Ktla tự nguyện chặt hàng chục cây trồng trên tổng chiều dài 75 m đất mặt tiền và chiều sâu 3 m để hiến đất làm đường giao thông. Ông Út chia sẻ, con đường trước mặt nhà ông trước đây chỉ rộng khoảng 4 m, hiện nay đang được xây dựng với chiều rộng 10,5 m do người dân hai bên đường hiến đất (mỗi bên 3 m).

Cán bộ Mặt trận phường Thống Nhất tuyên truyền, vận động người dân buôn Dlung 1B hiến đất, bàn giao mặt bằng để thi công đường. 

Được biết, trong năm 2022 buôn Dlung 1A và Dlung 1B được hỗ trợ nâng cấp cải tạo 10 trục đường với tổng chiều dài khoảng 3.000 m; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 13,5 tỷ đồng và nhân dân hiến đất. 

Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thống Nhất đã tổ chức các buổi họp buôn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng đô thị văn minh.

Ông Nguyễn Đình Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cho biết: “Buôn Dlung 1A và Dlung 1B là hai buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phường, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, việc hỗ trợ xây dựng đường giao thông trong buôn không chỉ tạo thuận lợi hơn về đi lại cho người dân mà hơn nữa, khi những tuyến đường mở rộng, bê tông hóa sẽ càng tạo nhiều thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, nâng cao giá trị đất ở của người dân. Đây sẽ là “đòn bẩy” để thay đổi diện mạo hai buôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…"

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.