Phát triển kinh tế phải có “gia tài” văn hóa
Thời gian gần đây, liên tiếp hàng loạt lãnh đạo những tập đoàn kinh tế, công ty lớn trong cả nước bị cơ quan chức năng khởi tố liên quan tới các sai phạm trong quá trình hoạt động. Rõ ràng, việc xây dựng, hình thành văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, nêu cao đạo đức trong kinh doanh luôn là vấn đề thời sự.
Là tài sản vô hình, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong tổ chức; tạo nên sự khác biệt và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của tổ chức. Nó không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên. Để có thể phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng được nền văn hóa đặc trưng riêng. Chỉ khi đó, họ mới phát huy được tiềm năng của mọi cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Ngoài dạy tiếng nước sở tại, các công ty có chức năng xuất khẩu lao động còn dạy về hóa doanh nghiệp cho người lao động. Ảnh minh họa: Thế Thắng |
Thế nhưng, qua thực tế nhiều vụ án cho thấy, nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả những tập đoàn kinh tế lớn vẫn chưa nhận thức được mối quan hệ giữa văn hóa và kinh doanh nên chưa có cái nhìn đúng đắn về sự cần thiết kinh doanh có đạo đức, coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận và coi đó là mục tiêu duy nhất, nên lợi dụng sự thông thoáng các chính sách khuyến khích của Nhà nước, kẽ hở của pháp luật để có những biểu hiện không lành mạnh, thậm chí lừa đảo người dân, tổ chức để trục lợi cá nhân, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nêu quan điểm: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì trước hết phải thấy vị trí và tầm quan trọng của văn hóa trong xã hội. Phát triển kinh tế phải có “gia tài” văn hóa như là “hệ điều tiết” xã hội. Cách mạng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải được thai nghén và nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa.
Xây dựng văn hóa trong kinh tế là nhiệm vụ cần được quan tâm thường xuyên và phải luôn coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, bên cạnh thể hiện thực lực, khả năng phát triển, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; phải biết xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh và có trách nhiệm xã hội.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, với việc xây dựng môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và trở thành động lực phát triển cho đất nước. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước cũng sẵn sàng loại trừ những doanh nghiệp có ý đồ xấu, làm ăn bất minh, làm vẩn đục môi trường phát triển của đất nước.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc