Multimedia Đọc Báo in

Những "nút thắt" trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Lắk

08:06, 09/12/2022

Mặc dù đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng đến thời điểm hiện tại, việc hoàn thiện các tiêu chí đề ra tại huyện Lắk vẫn còn chậm, gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Sau 12 năm thực hiện, hiện huyện Lắk mới chỉ có 1 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã còn lại đang tiến về đích với tốc độ chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong những năm qua còn hạn chế. Trong khi hiện nay, các xã rất cần nguồn lực để đầu tư hạ tầng cơ sở về giao thông, thủy lợi, trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm… để hoàn thành các tiêu chí đề ra.

Đời sống của người dân ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Lắk vẫn còn khó khăn khiến tiêu chí thu nhập chưa đạt.

Một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất tại địa phương là môi trường và an toàn thực phẩm, hiện chỉ có 1/10 xã đạt. Địa phương có 18 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 11.261 hộ dân; trong đó có 3 công trình hoạt động bền vững, 7 công trình hoạt động bình thường và kém hiệu quả, 8 công trình ngừng hoạt động. Nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp, ngừng hoạt động do công tác quản lý, vận hành còn hạn chế. Hằng năm, huyện đã lên kế hoạch tu bổ, sửa chữa nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa đáp ứng được. Do đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trên địa bàn huyện chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngoài ra, để thực hiện tiêu chí này cần xây dựng công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã, thôn theo quy hoạch; thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định; cải tạo nghĩa trang... Thế nhưng hiện nay tất cả các xã chưa được đầu tư xây dựng do chưa có kinh phí thực hiện.

Đơn cử, trong năm 2022, xã Yang Tao đăng ký hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, nhưng đến thời điểm hiện tại địa phương nhận định không thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là do địa phương có đến 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với tập quán chăn thả gia súc, nuôi nhốt gia cầm dưới nhà sàn, không có thói quen thu gom rác để xử lý chất thải; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn còn thấp, ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh chưa rõ ràng. Đặc biệt, xã vẫn còn thiếu nguồn vốn để thực hiện hạng mục xây dựng bãi rác và nghĩa địa tập trung có quy hoạch và quy chế quản lý nên không hoàn thiện được tiêu chí môi trường.

Tương tự, một tiêu chí khiến chính quyền huyện còn trăn trở chưa thể thực hiện là thu nhập, đến nay mới chỉ có 1/10 xã đạt. Do là huyện thuần nông, kinh tế người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng diện tích gieo trồng còn rất manh mún, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hình thức chăn thả là phổ biến. Các hình thức tổ chức sản xuất như trang trại, hợp tác xã và tổ hợp tác còn chậm phát triển, không phát huy hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, năng suất lao động nông nghiệp còn thấp; thiếu sự liên kết giữa các nông hộ, doanh nghiệp và người sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, năng suất và thu nhập của người dân. Đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm thu nhập của người dân giảm sút khiến việc huy động đóng góp trong nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Người dân xã Yang Tao (huyện Lắk) vẫn giữ thói quen nuôi gia súc dưới nhà sàn, gây khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí môi trường.

Ngoài ra, cơ sở vật chất văn hóa cũng là tiêu chí đang “chậm chân” của địa phương do thiếu nguồn lực thực hiện. Hiện, địa phương mới chỉ có hai xã có nhà văn hóa và sân thể thao phục vụ sinh hoạt. Tỷ lệ thôn, buôn có nhà văn hóa cộng đồng chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Các xã đã quy hoạch khu thể thao thôn, buôn nhưng chưa có nguồn vốn xây dựng nên không thể hoàn thiện tiêu chí. Do đó, đến nay trên địa bàn huyện mới chỉ có 2/10 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Ông Võ Thành Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk cho biết, địa phương đã rất nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Tuy nhiên bên cạnh thiếu nguồn lực thực hiện, vai trò chủ thể của người dân chưa phát huy đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước khiến quá trình xây dựng NTM của địa phương còn trì trệ. Tính đến hết tháng 9/2022, huyện mới chỉ thực hiện được 126/190 tiêu chí (chiếm 66,84%). Trong 19 tiêu chí đề ra có đến 7 tiêu chí còn đạt thấp, mới chỉ có một vài xã hoàn thành.

Thời gian tới, để tháo gỡ “nút thắt” trong xây dựng NTM, địa phương sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các xã trong việc tổ chức thực hiện các tiêu chí; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải tạo vườn tạp; đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình để thực hiện có hiệu quả xây dựng NTM... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm khơi dậy tinh thần tự giác, tính chủ động và sự đồng thuận tham gia của người dân trong xây dựng NTM.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.