Multimedia Đọc Báo in

“Tấm khiên” cho doanh nghiệp

06:12, 11/12/2022

Dù là những hỗ trợ từ Chính phủ hay từ nỗ lực của chính bản thân, thời gian qua các doanh nghiệp (DN) cũng đã tạo được một lớp "áo giáp" để bảo vệ mình trước những biến động của nền kinh tế và những yếu tố khách quan khác.

“Luôn đồng hành cùng DN và cố gắng tháo gỡ tối đa khó khăn cho DN” là thông điệp mà Chính phủ cũng như tỉnh Đắk Lắk thực hiện trong thời gian qua. Điều đó không chỉ thể hiện ở lời nói mà ở cả hành động cụ thể. Chẳng hạn như, để bảo vệ DN trước tác động xấu của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, với ba gói hỗ trợ lớn về: Chính sách tài khóa (miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất...); chính sách hỗ trợ tín dụng (điển hình là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ lãi suất cho DN vay để phát triển sản xuất); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19)… Những chính sách này đã tiếp thêm nguồn lực cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thử thách để có những đóng góp to lớn hơn cho nền kinh tế nước nhà phục hồi và phát triển.

Đối với Đắk Lắk, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, đôn đốc, triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Theo đó, số DN thành lập mới tăng cao và đến cuối tháng 10/2022, số DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động tăng 14,5% so với cùng kỳ. Điều này đã cho thấy những tín hiệu tích cực của việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN của tỉnh.

Hay như việc bảo vệ DN trước tin giả, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả vào tháng 4/2021 để tiếp nhận, thanh lọc và xử lý tin giả. Ra đời đúng vào cao điểm chống dịch COVID-19 ở nước ta, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 phản ánh tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả. Trong đó, có những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đã được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE với các sản phẩm mang thương hiệu MISS EDE là một trong những doanh nghiệp có nhiều nỗ lực để vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của MISS EDE tại “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022”. Ảnh: do doanh nghiệp cung cấp

Bên cạnh đó, để bảo vệ DN trước tin đồn, các cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng “ra tay” kịp thời, đúng lúc. Chẳng hạn như hồi tháng 10/2022, trước những thông tin tiêu cực về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người dân ở một số địa phương đổ xô đi rút tiền trước hạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông điệp sẽ có các biện pháp cần thiết để SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản. Đồng thời, yêu cầu những người gửi tiền tại SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Thử hỏi, nếu không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, SCB có thể dễ dàng vượt qua “sóng gió” này không? Đây chính là minh chứng cho “tấm khiên” mà Nhà nước trao tặng cho các DN.

Tuy nhiên, không chỉ trông chờ sự bảo vệ từ phía Nhà nước, thời gian qua, các DN cũng đã tự bảo vệ mình từ sự nỗ lực và sáng tạo để vượt qua thách thức. Chẳng hạn, các DN đã triển khai nhiều giải pháp để “vực dậy” nhằm ổn định lại tình hình sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19. Không ít DN đã áp dụng mô hình, chính sách mới trong chiến lược kinh doanh; các hoạt động trưng bày, giới thiệu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử được đẩy mạnh; nhiều DN đã "bắt tay" liên kết với nhau để cùng vượt qua thách thức và ổn định hoạt động của đơn vị mình. Đặc biệt, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang từng bước áp dụng chuyển đổi số để kịp hội nhập với sự phát triển của thời đại 4.0... Những nỗ lực này đã tạo được một lớp “áo giáp” của tự thân DN để kết hợp cùng “tấm khiên” từ những cơ chế, chính sách của Nhà nước, góp phần giúp DN có sự bảo vệ toàn diện hơn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.