Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực tăng trưởng bền vững

08:06, 08/12/2022

Mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi do tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở những tháng đầu năm; giá xăng dầu, vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; giá sản phẩm nông nghiệp không ổn định… nhưng kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh năm 2022 vẫn tiếp tục phát triển tích cực, có nhiều khởi sắc. Đây là tiền đề quan trọng, tạo động lực tăng trưởng KT-XH năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

16/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa X, trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, tình hình KT-XH của tỉnh phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với 16/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (KH) đề ra.

Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thu hái cà phê niên vụ 2022 - 2023. Ảnh: Thế Hùng

Trong đó, có 6 chỉ tiêu nổi bật, vượt KH gồm: tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 58.355 tỷ đồng, bằng 103,65% KH, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm 2021. GRDP đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 56,7 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 35.738 tỷ đồng, bằng 109% KH. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.500 triệu USD, bằng 125% KH, tăng 30,32% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 93.000 tỷ đồng, bằng 102,76% KH, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.152 tỷ đồng, bằng 111,6% KH HĐND tỉnh giao và bằng 137,25% dự toán Trung ương giao, tăng 11,53% so với năm 2021.

Tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả việc phát triển các nông sản chủ lực, trong đó thành công nhất là xây dựng mã vùng trồng sầu riêng; mặt hàng sầu riêng, mắc ca của tỉnh lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Nhật Bản. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch duy trì ở mức tăng trưởng khá. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo, chính sách dân tộc tiếp tục được quan tâm thực hiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, giữ vững.

 

“Tiến độ giải ngân quá thấp so với kế hoạch, kèm theo đó là việc thực hiện điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư, nhất là việc phát sinh chi phí đền bù giải phóng mặt bằng… Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân chủ quan; có giải pháp tháo gỡ trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản để tăng giải ngân vốn đầu tư công, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển thanh toán năm sau…” - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế.

Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sớm đạt được các mục tiêu đề ra tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022, thay mặt Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng Ban Võ Đại Huế khẳng định: Những kết quả đạt được trong năm 2022 rất đáng phấn khởi. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn 3 chỉ tiêu thành phần đạt thấp, đó là: đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Mặt khác, mặc dù thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra nhưng thu biện pháp tài chính cấp tỉnh là năm thứ hai liên tiếp không đạt, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của cả giai đoạn; công tác triển khai các dự án đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia còn bất cập; tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở các bệnh viện công chậm được khắc phục…

Đây là những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc và cần quan tâm, phân tích làm rõ để kịp thời khắc phục, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững

Nhận định về tình hình phát triển KT-XH trong năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng: Bên cạnh những mặt thuận lợi, dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ xảy ra lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; tình hình tranh chấp, khiếu kiện đông người còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp…

Thi công Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thế Hùng

Trên cơ sở nhận diện tình hình, UBND tỉnh đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó có một số chỉ tiêu cơ bản: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) phấn đấu đạt 62.900 - 63.000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,8 - 8% so với ước thực hiện năm 2022. GRDP đầu người (theo giá hiện hành) đạt 62,3 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.200 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1.600 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt trên 10.000 tỷ đồng…

Theo đánh giá của Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế, trong bối cảnh dự báo sẽ có nhiều khó khăn, với những mục tiêu đặt ra, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, cùng với khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh; tích cực chỉ đạo thu ngân sách, thu biện pháp tài chính; nâng cao chất lượng trong đầu tư công để tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhất là các dự án trọng điểm; chỉ đạo tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.