Đầu tư kinh tế: “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”
Diễn biến kinh tế toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức mới với nền kinh tế các quốc gia, trong đó Việt Nam dù có chỉ số tăng trưởng lạc quan, ổn định, vẫn khó tránh khỏi những tác động suy thoái. Năm 2023 vì thế sẽ là năm đầy áp lực với các mục tiêu phát triển quốc nội. Đắk Lắk, với vai trò cửa ngõ kinh tế đầu tư vùng Tây Nguyên, cần lựa chọn sách lược thế nào để đạt hiệu quả?
Theo một số chuyên gia kinh tế, Tây Nguyên, mà cụ thể là Đắk Lắk, đang là điểm nhấn đáng chú ý về hướng phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp, bởi các địa phương này đang sở hữu những dư địa sản xuất nông nghiệp rộng lớn, đa dạng sản phẩm giá trị cao. Hướng đầu tư sản xuất sau đại dịch được nhìn nhận là nên tập trung vào những bài toán thực tế, với hàng hóa, lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, và đầu tư năng lượng sạch, đáp ứng các hoạch định sản xuất công nghiệp… Những chọn lựa này, lại chính là những lợi thế của vùng đất cao nguyên.
Cơ hội thu hút đầu tư
Số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung – Tây Nguyên (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lũy kế đến hết quý III/2022, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã thu hút được 1.759 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 28,23 tỷ USD, chiếm 5% số dự án và 6,6% vốn đầu tư đăng ký so với cả nước. Về đối tác đầu tư, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 74 nước và vùng lãnh thổ triển khai dự án đầu tư, trong đó Singapore giữ vị trí dẫn đầu với 101 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 7,9 tỷ USD, xếp thứ hai là Hàn Quốc với trên 4,59 tỷ USD vốn đầu tư. Phân bổ đầu tư chủ yếu vẫn rơi vào các tỉnh duyên hải miền Trung.
Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung – Tây Nguyên nhìn nhận, sau đại dịch, xu hướng chuyển tầm nhìn đầu tư từ những chương trình dịch vụ, công nghiệp công nghệ số sang tham gia tiêu dùng, thực hiện chuyển đổi nông nghiệp nông thôn đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đây chính là lý do để đơn vị tổ chức xúc tiến đầu tư đặt rõ vấn đề cần thúc đẩy cơ hội đầu tư bên ngoài vào Tây Nguyên, khai thác những thế mạnh hiện có của các tỉnh thành Tây Nguyên.
Sản xuất chocolate từ quả ca cao - một trong những dự án tinh chế từ nông sản ở Công ty Nam Trường Sơn (Đắk Lắk). |
Chỉ đạo từ Trung ương trong thời gian qua cũng thể hiện hướng nhìn đầu tư này. Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 10 và Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, các báo cáo của bộ, ngành đều đưa ra những đánh giá nhấn mạnh cần phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên tương xứng với tầm vóc. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự thảo đánh giá cho thấy, hạn chế, yếu kém của vùng kinh tế Tây Nguyên là chưa phát triển bền vững, với hai điểm nhấn chính: Nông nghiệp có lợi thế nhưng tăng trưởng chủ yếu dựa vào diện tích canh tác, chưa xây dựng được thương hiệu cho các nông sản vùng; công nghiệp chế biến lại chưa phát triển tương xứng năng lực, sản phẩm hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu thô và sơ chế. Tỷ trọng dịch vụ chất lượng trong kinh tế Tây Nguyên còn rất thấp.
Ông Lê Minh Dương
|
Qua cách nhìn nhận này, Tây Nguyên rõ ràng có dư địa thu hút, hấp dẫn những nhà đầu tư có trình độ, năng lực sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thành hàng hóa tinh chế để nâng cao giá trị. Nông nghiệp Tây Nguyên cũng có thể chuyển đổi về hướng chuyên canh, đầu tư những nhóm hàng chủ lực có giá trị cao và hợp tác cùng công nghiệp công nghệ để tạo thêm nhiều giá trị mà không cần chỉ tập trung vào sản lượng, diện tích lớn.
Đi từng bước vững chắc
Với một tỉnh thành cụ thể như Đắk Lắk, câu chuyện phát triển kinh tế vùng xem ra rất rạch ròi. Chỉ cần địa phương thực hiện được những bước đầu tư, phát triển kinh tế, tăng hiệu quả với các sản phẩm hàng hóa cụ thể thì khả năng thu hút các nhà đầu tư quan tâm sẽ tăng. Cùng với những chính sách quản lý, cơ chế điều hành, đặc biệt có những ưu đãi như đang triển khai với TP. Buôn Ma Thuột, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển không phải là vấn đề vướng mắc. Mà khi Đắk Lắk có thể tạo được niềm tin, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, lan tỏa ra các tỉnh thành xung quanh, thì kinh tế toàn vùng chắc chắn sẽ có thay chuyển tích cực.
Vấn đề chỉ còn là Đắk Lắk hay cả Tây Nguyên cần biết tận dụng những ưu thế nào để thay đổi phát triển? Ông Lê Minh Dương phân tích: Từ Nghị quyết 23, Bộ Chính trị đã có quan điểm phát triển vùng Tây nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết nội vùng, với duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và cả tiểu vùng sông Mê Kông, lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm trọng tâm, tạo trụ đỡ phát triển công nghiệp chế biến, tổ chức hàng hóa chất lượng cao, giá trị gia tăng cao. Chính phủ đã ban hành tiếp Nghị quyết 152/NQ-CP, ngày 15/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó hành động tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, chú trọng các lợi thế đặc trưng như phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, quy mô lớn và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển các ngành dịch vụ, hậu cần, logistics; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng và các nhiệm vụ trọng tâm khác…
Như vậy, với năm hồi phục kinh tế 2023, Đắk Lắk, với vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên, cần khởi phát hướng đầu tư hiệu quả vào những thế mạnh của mình, tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực thực thụ, tham gia kiến tạo những chuỗi cung ứng, vận hành, sản xuất tinh chế và chất lượng. Có điều, bởi những tác động tiêu cực từ diễn biến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng kinh tế quốc nội chưa thực sự hồi phục ổn định sau đại dịch, các bước đi của Đắk Lắk cần hết sức thận trọng và chi tiết.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc