Multimedia Đọc Báo in

Làng nghề, nhà vườn tất bật “chạy đua” với Tết

08:16, 11/01/2023

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, những ngày này các làng nghề, nhà vườn đang tất bật “chạy đua” với Tết để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng, với kỳ vọng có một mùa Tết bội thu, đủ đầy…

Làng nghề ven đô hối hả ngày cuối năm

Những ngày giáp Tết, không khí tại làng sản xuất bún, miến, phở khô ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) vô cùng tất bật. Bên trong những xưởng sản xuất, tiếng máy ép, tiếng quạt động cơ phơi rầm rập; người đổ bột, người cắt bún, người đóng gói... hối hả.

Anh Hà Văn Thích (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đóng hàng bún, miến, phở khô để đi giao cho khách hàng.

Hơn 18 năm gắn bó với nghề làm bún, miến, phở khô, đến nay gia đình anh Hà Văn Thích (tổ dân phố 7) đã có một xưởng sản xuất với 5 nhân công làm việc. Nhớ lại ngày mới vào nghề, chỉ có chiếc xe đạp đáng giá, sản xuất được mẻ nào vợ anh lại mang chở quanh TP. Buôn Ma Thuột để chào hàng, mãi sau sắm được chiếc xe máy mới mở rộng địa bàn đi các huyện. Khách hàng dùng thử sản phẩm thấy chất lượng nên tin dùng, nhờ đó đơn đặt hàng cứ thế tăng dần lên. Từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, gia đình anh đã đầu tư thêm máy móc, nhà bóng để phơi, sấy sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, trung bình mỗi ngày anh Thích làm khoảng 5 tạ gạo, riêng những ngày cận Tết, xưởng hoạt động hết công suất, làm 7 tạ gạo/ngày mới đủ hàng giao cho khách.

Toàn phường Khánh Xuân hiện có trên 50 hộ sản xuất miến, bún, phở khô quanh năm, tập trung ở các tổ dân phố 2, 5, 7. Những năm qua, các hộ chủ yếu tự tìm đầu ra cho sản phẩm, đa số là mối bạn hàng lâu năm và giao sỉ nhỏ, lẻ ở các chợ quanh khu vực TP. Buôn Ma Thuột với các huyện, thị trong tỉnh. Năm 2019, UBND phường Khánh Xuân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng với 9 thành viên tham gia.

Tại xưởng sản xuất của gia đình ông Hà Văn Tuyến, Chủ nhiệm HTX, những ngày này máy móc chạy rầm rầm từ sáng tới chiều. Mọi khoảng trống trong nhà bóng đều được trải phên, giàn phơi bún. 4 nhân công đang làm việc trong xưởng luôn tay luôn chân, ai cũng nỗ lực làm việc để kịp đủ hàng. Riêng ông Tuyến hằng ngày cũng bận rộn chở hàng đi giao ở các mối trong TP. Buôn Ma Thuột và các huyện trong tỉnh.

Ông Tuyến cho biết, hiện sản phẩm bún khô Chi Lăng và phở khô Chi Lăng của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Tuy vậy, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ ở thị trường truyền thống trong tỉnh, rất khó để cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại trên thị trường rộng hơn.

Dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng nhiều năm qua, làng nghề này đã giúp cho hàng chục hộ dân có được mức thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu, đồng thời giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động tại địa phương. Ông Trần Quốc Á, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho hay, sắp tới, chính quyền sẽ vận động các hộ sản xuất bún, miến, phở nhỏ lẻ tham gia vào HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhộn nhịp làng bánh tráng Ea Bar

Những ngày cận Tết Nguyên đán, người làm bánh tráng tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) tất bật suốt từ 3 giờ sáng đến tối để cho ra lò những chiếc bánh tráng thơm ngon, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Mang theo nghề truyền thống từ quê hương Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đến quê hương mới hơn 30 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (thôn 7) được coi là một trong những hộ tiên phong sản xuất bánh tráng tại làng. Trước đây, gia đình bà Dung chỉ làm thủ công, sản xuất nhỏ lẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Những năm gần đây, bà Dung đã đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công để tăng quy mô sản xuất. Mỗi dịp Tết đến, cơ sở của bà Dung lại tất bật chuẩn bị hàng để kịp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhiều thực khách gần xa.

Những ngày này, tại làng nghề bánh tráng Ea Bar, ai cũng bận rộn làm việc từ sáng sớm.

Từ sáng sớm, cơ sở của bà Dung có hơn 10 nhân công đã làm việc liền tay, người cắt bánh, người dọn bánh, người đem bánh đi phơi, người khuấy bột... Bà Dung chia sẻ: “Nếu ngày thường, cơ sở chỉ sản xuất 4 tạ gạo, 2 tạ bột thì gần Tết, chúng tôi tăng lên gấp đôi. Để kịp tiến độ, chúng tôi làm gấp đôi thời gian ngày thường, thuê thêm nhân công”.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (thôn 7) tuy đã làm nghề hơn 20 năm nay, nhưng vì chưa có điều kiện và một phần muốn giữ nét truyền thống nên vẫn tráng bánh bằng tay. Bánh tráng bằng tay có hình tròn đều và dày hơn so với tráng bằng máy. Đây là công việc ổn định của gia đình nhiều năm qua. “Bình thường tôi tráng bánh từ sớm đến độ hơn 12 giờ trưa là xong, rồi tranh thủ chạy đi bán bánh, chồng tôi ở nhà canh bánh khô thì sẽ bóc bánh đem cất. Thế nhưng Tết này, nhiều người đặt hàng nên tôi phải làm đến chiều mới xong. Làm bánh tráng là nghề thu nhập chính của gia đình tôi”, bà Thủy tâm sự.

Cũng như gia đình bà Dung, bà Thủy, nhiều gia đình tại làng bánh tráng Ea Bar đã có thu nhập khá từ nghề truyền thống này. Bà Hoàng Thị Sáu, cán bộ khuyến nông xã Ea Bar cho hay: “Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương khá cao, nhưng khi làng bánh tráng phát triển thì nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định hơn. Nhiều lao động tại địa phương ngoài sản xuất mùa màng cũng có thêm công việc quanh năm hoặc thời vụ dịp Tết, có thêm thu nhập để lo cho gia đình”.

Nhà vườn thu hoạch cà chua Nova phục vụ Tết

Những ngày này, các trang trại trồng cà chua Nova trong nhà màng tại TP. Buôn Ma Thuột cũng tất bật thu hoạch để phục vụ thị trường Tết.

Hiện toàn bộ nhân công trang trại trồng cà chua Nova với diện tích 2.000 m2 của gia đình chị Bùi Thị Bích Phương (xã Ea Tu) đang tập trung hái quả cho kịp đơn đặt hàng của khách. Chị Phương cho biết, nhu cầu của khách hàng về cà chua Nova trong những ngày này cao, cung không đủ cầu. Với diện tích hiện có, năm nay chị Phương ước tính sẽ thu hoạch chừng 11 tấn, giá bán sỉ cho thị trường ngoài tỉnh từ 60.000 – 65.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với các loại rau quả sản xuất truyền thống khác tại cùng thời điểm. Từ một mô hình 700 m2 cà chua sản xuất trong nhà màng được UBND TP. Buôn Ma Thuột hỗ trợ cách đây 2 năm, đến nay gia đình chị Phương vừa sản xuất, vừa liên kết với nhiều nông dân trên địa bàn thành phố, nhân rộng diện tích trồng cà chua Nova lên đến 11.000 m2 tại một số xã, phường như Ea Tu, Cư Êbur, Hòa Thuận, Khánh Xuân, Hòa Khánh, Tân Lập… Dịp Tết Quý Mão này có 5 trang trại (mỗi trang trại diện tích tầm 1.000 m2) có sản phẩm thu hoạch đúng dịp Tết. Hiện nay chị Phương cùng một số anh chị em trong nhóm sản xuất và phân phối cà chua Nova đã đưa sản phẩm đến tiêu thụ tại 14 tỉnh thành trong nước.

Thu hoạch cà chua Nova tại trang trại của chị Bùi Thị Bích Phương.

Gia đình anh Trần Công Oanh (ở phường Tân Lập) hiện đang tất bật thu hoạch cà chua Nova trong nhà màng để phục thị trường Tết. Uớc tính năng suất cà chua năm nay khoảng 5,5 tấn/1.000 m2, thấp hơn 0,5 tấn so với cùng kỳ năm ngoái do thời tiết mưa lạnh kéo dài. Bù lại, giá cà chua Nova hiện tại ổn định, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Năng suất cà chua Nova của gia đình anh Trần Quế Phong (tổ dân phố 9, phường Tân Lập) năm nay không bị giảm so với vụ trước, đạt mức khoảng 6 tấn/1.000 m2 song cà chua chín không đồng loạt do mưa lạnh kéo dài, khiến phải mất nhiều công thu hoạch hơn.

Anh Trần Việt Tân, chuyên gia phụ trách chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây cà chua Nova trong nhà màng tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trồng loại cây này phải hết sức chú ý từng khâu kỹ thuật, từ khâu giống, các vật tư thiết yếu đầu vào, giá thể sử dụng để trồng, độ cao của nhà màng, dinh dưỡng tác động và nhiều biện pháp chăm sóc liên quan… bởi nếu sơ xuất sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế. Hiện nay các mô hình đầu tư trồng cà chua trong nhà màng của nông dân tại TP. Buôn Ma Thuột chưa đạt đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn như mô hình chuẩn công nghệ cao đề ra do hạn chế về kinh phí, song các vườn cà chua trong nhà màng không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết như sản xuất truyền thống, nông dân vẫn thu lợi nhuận rất cao.

Huyền Diệu – Đinh Hằng – Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.