Multimedia Đọc Báo in

Nắng cũng thành… tiền

17:30, 23/01/2023

Những năm gần đây, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đó, các nhà máy điện mặt trời (ĐMT) trên địa bàn tỉnh vẫn “tỏa sáng”, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 dự án ĐMT đã được cấp thẩm quyền bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.

Cụ thể, có 10 dự án ĐMT nối lưới đã đưa vào vận hành phát điện, tổng công suất 1.024 MWp, gồm: 5 nhà máy ĐMT Xuân Thiện - Ea Súp (công suất 814 MWp/600 MW), Dự án ĐMT Sêrêpốk 1 (50 MWp), Dự án ĐMT Quang Minh (50 MWp), Dự án điện mặt trời Jang Pông 1 và Jang Pông 2 (30 MWp), Dự án Trang trại điện mặt trời BMT, huyện Krông Pắc (30 MWp) và Dự án ĐMT Long Thành 1, huyện Ea Súp (50 MWp).

Bên cạnh đó, 3 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành phát điện năm 2025, gồm 1 dự án ĐMT nổi trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (công suất 380 MWp) và 2 dự án ĐMT trên đất (100 MWp). 

Một nhà máy thuộc cụm Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp.

Các dự án trên đi vào hoạt động đã cho thấy hiệu quả cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương. Đơn cử như cụm nhà máy ĐMT Xuân Thiện - Ea Súp với tổng công suất 600 MW (831 MWp) là một trong những dự án ĐMT lớn nhất ở Đông Nam Á. Cùng với các nhà máy phát điện, chủ đầu tư đã xây dựng trạm biến áp 500 kV, 22 km đường dây 500 kV mạch kép…, đưa vào vận hành thương mại ngày 15/12/2020. Tổng sản lượng điện của các nhà máy này từ khi phát điện đến hết tháng 10/2022 đạt gần 2,3 tỷ kWh, trong đó riêng 10 tháng của năm 2022 đạt hơn 1 tỷ kWh.

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và việc giải tỏa công suất, truyền tải trên lưới còn hạn chế dẫn đến cụm nhà máy bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt giảm công suất 15 - 20% tổng sản lượng phát của nhà máy. Tuy nhiên, về tổng thể, dự án vận hành phát điện an toàn, hiệu quả, sản lượng và hiệu suất cao hơn mức tính toán theo thiết kế ban đầu. Sau hai năm hoạt động, dự án đã nộp ngân sách nhà nước 323 tỷ đồng.

Theo số liệu của Sở Công Thương, ngoài các nhà máy ĐMT quy mô lớn, trên địa bàn tỉnh có 5.379 hệ thống ĐMT mái nhà, tổng công suất 650 MWp. Năm 2022, sản lượng ĐMT đạt hơn 2,3 tỷ kWh, chiếm 30,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn tỉnh. Qua thực tế hoạt động cho thấy, công nghệ, thiết bị các dự án ĐMT vận hành ổn định, đạt hiệu quả cao so với công suất thiết kế.

ĐMT đã bổ sung nguồn điện đáng kể cho hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, tăng nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thì đóng góp của ĐMT rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hệ thống điều hành phát điện tại Dự án điện mặt trời Long Thành 1.

Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho biết, Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15/7/2020 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định ưu tiên phát triển các dự án ĐMT trên các hồ thủy lợi, thủy điện, dự án tại các khu vực đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, dự án ĐMT kết hợp sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng các nhà máy điện phải gắn với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tỉnh cũng sẽ phát triển năng lượng tái tạo nói chung, ĐMT nói riêng theo hướng tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong công nghiệp năng lượng. 

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế, tiềm năng rất lớn về phát triển ĐMT, có hạ tầng truyền tải rất tốt, gồm 3 mạch đường dây 500 kV đi qua.

Để khai thác nguồn lợi này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước tự chủ về kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét quy hoạch thêm nguồn ĐMT cho tỉnh Đắk Lắk trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); sớm ban hành cơ chế giá mua bán điện mặt trời (mới) áp dụng cho các dự án hòa lưới sau ngày 31/12/2020; chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các đường dây truyền tải, trạm biến áp qua địa bàn tỉnh, như: Trạm biến áp 500 kV Krông Búk và đường dây 500 kV đấu nối, đường dây 220 kV Pleiku 2 - Krông Búk mạch 2 và  đường dây 220 kV Krông Búk - Nha Trang mạch 2. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện chính sách, sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 để các nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.