Multimedia Đọc Báo in

Khi gió reo, điện sáng…

02:29, 22/01/2023

Giữa màu xanh của bạt ngàn cà phê, cao su…, những trụ turbine với cánh quạt khổng lồ đang đón gió, thổi bừng khát vọng của một vùng quê.

Gắn bó với vùng đất Ea H’leo đã hơn 10 năm, chị Phan Thị Hồng Phượng ở thôn 5, xã Dliê Yang chưa từng nghĩ mình có thể tận mắt nhìn thấy những chiếc quạt khổng lồ quay trong gió, hình ảnh mà lâu nay chị chỉ nhìn thấy trên ti vi.

Khi những cánh quạt gió đầu tiên được đưa đến để phục vụ cho công tác thi công lắp đặt trụ turbine thuộc dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên do Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió - HBRE đầu tư, chị cũng như nhiều người dân nơi đây vừa ngỡ ngàng, vừa hân hoan.

Nơi gia đình chị ở vốn là một vùng đất xa xôi, giao thông còn khó khăn, lối vào nhà phải men theo gần 1 km bờ rẫy cà phê thì nay đã có đường bê tông rộng rãi đến tận cổng. Tuyến đường này dẫn từ đường trục chính của xã vào trụ turbine gió cách nhà chị khoảng 100 m, do dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió - HBRE đầu tư từ năm 2018.

Cũng từ ngày có những cột điện gió, vùng quê nơi đây trở nên nhộn nhịp hơn khi nhiều người đến đây tham quan, chụp ảnh. Tận dụng lợi thế này, vợ chồng chị Phượng đã mở quán bán tạp hóa, nước giải khát và trồng thêm nhiều hoa trước nhà để phục vụ du khách tham quan điện gió đến nghỉ chân.

Cánh đồng điện gió ở xã Ea Nam.

Còn với ông Nguyễn Trọng Mậu ở thôn 7, xã Ea Nam, đã gần 20 năm gắn bó với quê hương Ea H’leo thì điện gió thực sự mang đến một luồng sinh khí mới cho vùng đất này. Ông Mậu hồ hởi: “Chưa bao giờ tôi thấy quê hương mình đổi thay vượt bậc như ngày nay. Những năm trước, hầu hết các tuyến giao thông trong thôn đều là đường đất mưa lầy, nắng bụi, việc vận chuyển nông sản, đi lại của người dân, con cái học hành... gặp muôn vàn khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Khi có dự án Nhà máy điện gió Ea Nam (do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam - Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư), nhiều tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa kiên cố, rộng rãi. Hưởng lợi từ dự án điện gió, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng từng bước được cải thiện đáng kể”.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Nam Nguyễn Văn Nhiệm, hưởng lợi rõ rệt từ dự án Nhà máy điện gió Ea Nam đó là toàn xã có hơn 33 km đường bê tông được nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng. Điều này không chỉ giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và buôn bán nông sản của người dân được thuận lợi hơn. Không chỉ thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện để nâng cao giá trị nông sản của vùng như cà phê, sầu riêng, mắc ca..., điện gió cũng mang đến nhiều tiềm năng về du lịch cho địa phương. Địa bàn xã Ea Nam có 61 trụ turbine gió, tập trung chủ yếu tại thôn 5, thôn 7. Để khai thác tiềm năng này, trong kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, xã đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hình thành các điểm đón du khách lưu trú, tham quan địa điểm điện gió; kết nối với những thắng cảnh trên địa bàn; giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc thù của huyện nhà.

Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, trong quá trình xây dựng các công trình điện gió, các chủ đầu tư đã làm được tổng cộng 55 km đường bê tông để vận chuyển, lắp đặt thiết bị, cũng như phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Sau khi đi vào hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh của các công trình này không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho thu ngân sách mà còn mang đến tiềm năng về du lịch. Thời gian gần đây, cánh đồng điện gió Ea H’leo đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô trang trại, gia trại gắn với du lịch sinh thái cũng đã được hình thành. Chính vì vậy, UBND huyện đang tiến hành khảo sát, xây dựng phương án cụ thể khai thác tiềm năng từ điện gió gắn với phát triển du lịch sinh thái… nhằm quảng bá, tiêu thụ các sản vật địa phương.

Với khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, những cánh đồng điện gió nơi đây đang trở thành địa điểm tham quan thu hút khá nhiều du khách đến khám phá, trải nhiệm mỗi ngày. Hiện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch làm 8 km đường bê tông bao quanh rừng thông ven Quốc lộ 14 đoạn qua xã Ea Nam (đưa vào kế hoạch bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2025 - 2030). Tuyến đường này sẽ giúp hình thành tuyến giao thông nông thôn thuận lợi cho địa phương, tạo cảnh quan môi trường xanh bền vững, chống xói mòn cho tuyến Quốc lộ 14; đồng thời, đây cũng là hướng đi mới để huyện phát triển du lịch gắn với các công trình điện gió sau này.

Lê Thành - Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.