Multimedia Đọc Báo in

Trong dòng chảy chuyển đổi số

04:49, 23/01/2023

Những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Đắk Lắk bắt đầu sôi động. Các loại nông sản chủ lực, đặc sản địa phương xuất hiện, chiếm “sóng” ngày càng nhiều trên những sàn giao dịch thương mại tên tuổi.

"Bão" đơn hàng đặc sản trên Tiktok Shop

Nắm bắt được cơ hội lớn của TMĐT trên Tiktok Shop, cô gái trẻ Nguyễn Anh Đức (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn “bỏ phố về quê” để làm giàu bằng cách thức kinh doanh mới này.

Tiktok Shop là gian hàng được tích hợp trên nền tảng của mạng xã hội Tiktok. Các sản phẩm của người bán được giới thiệu qua video, livestream và tab giới thiệu sản phẩm nổi bật trong trang hồ sơ của họ. Người mua sẽ tìm thấy đầy đủ thông tin chi tiết của sản phẩm như các sàn TMĐT về giá, lượt đánh giá, lượt mua...

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất của chị Nguyễn Anh Đức (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) được khách hàng đánh giá 5 sao trên gian hàng Tiktok Shop.

Tốt nghiệp Đại học Tài chính Marketing ở TP. Hồ Chí Minh năm 2016, Đức về làm giám sát tại Khách sạn Mường Thanh (TP. Buôn Ma Thuột). Sau 5 năm làm việc ổn định, thu nhập khá, chị quyết định nghỉ việc để bán đặc sản quê hương. Đức kể, vào giữa năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên doanh thu khách sạn giảm sút, công việc của chị bị tạm hoãn phải về quê. Có nhiều thời gian rảnh, cô gái trẻ chơi Tiktok nhiều hơn với tài khoản “Chuyện của Đức”. Thời điểm đó, đúng vào vụ thu hoạch sầu riêng, cà phê của bà con nông dân tại địa phương, những clip chia sẻ câu chuyện, cuộc sống hằng ngày giản dị, gần gũi do Đức đăng lên mạng được nhiều người biết đến và yêu thích. Từ đó, chị bắt đầu sáng tạo ra nhiều clip, dần dần các video mang lại hiệu ứng cao, lượng người theo dõi kênh tăng lên đáng kể. “Trong một lần vô tình đăng tải clip về sản xuất cà phê nguyên chất do cô ruột trực tiếp làm, bất ngờ, đoạn video đó lên xu hướng, được nhiều người đón nhận và mua. Vì vậy, sau một đêm tôi đã nhận được 500 đơn đặt hàng đầu tiên”, chị Đức nhớ lại. 

Mới chỉ hơn một năm phát triển, kênh Tiktok của chị Đức đang có gần 134.000 người theo dõi, với 2,2 triệu lượt thích. Trung bình mỗi tháng chị bán được 3.000 - 4.000 đơn hàng, đỉnh điểm có tháng bùng nổ lượt xem thì phải trên 6.000 đơn. Hiện tại, trên gian hàng Tiktok Shop, chị đang kinh doanh các sản phẩm nông sản của địa phương, như: cà phê nguyên chất pha phin và sấy lạnh hòa tan, mật ong hoa cà phê, bột ca cao nguyên chất. Ngoài ra, còn có thêm hạt mắc ca, hạnh nhân... để đa dạng sự lựa chọn hơn đối với khách hàng. Những sản phẩm này đều được chị chính tay lựa chọn kỹ lưỡng từ nông sản sạch của gia đình và người dân tại địa phương. Cà phê nguyên chất pha phin với thương hiệu “Đức’s Coffee” do nhà chị tự sản xuất. Còn các sản phẩm bột ca cao, cà phê sấy lạnh, chị liên kết với nhà máy để sản xuất ra sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, chị đã chọn liên kết với nhà máy uy tín trên địa bàn, có sự giám sát về quy trình sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm của chị được khách hàng đánh giá cao từ 4,7/5 sao, thậm chí còn có 5/5 sao.

Bên cạnh đó, thông qua các clip ngắn giới thiệu sản phẩm trong khung cảnh làng quê cùng giọng nói nhẹ nhàng và truyền cảm cạnh vườn cà phê, sầu riêng... để tạo ra thói quen mua hàng bằng trải nghiệm giải trí của khách hàng. Đều đặn, mỗi ngày chị sẽ quay video về công việc, cuộc sống tại vùng quê, những sản phẩm bán... sau đó edit, sáng tạo content hay để làm clip, ghim sản phẩm lên kênh và bán. Đồng thời, để duy trì và phát triển số lượng khách hàng, ngoài không ngừng đăng video sản phẩm và livestream trên kênh Tiktok, chị còn tận tình chăm sóc những khách hàng cũ. Đối với những khách khi mua hàng, chị sẽ gắn mã QR để họ quét mã kết nối với Zalo nhằm nghe phản hồi, đánh giá và chăm sóc cho khách tiếp tục đặt hàng. “Điểm khác biệt giữa Tiktok với các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT đó là khả năng kết nối được với hệ thống những KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) để đưa các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Đồng thời, người bình thường cũng có thể trở nên nổi tiếng nhờ sáng tạo nội dung hay nên Tiktok Shop là “mảnh đất màu mỡ” để kinh doanh sản phẩm hiệu quả”, chị Đức chia sẻ.

Để nông sản Đắk Lắk đứng vững trên… sàn

Trên địa bàn tỉnh hiện mới có khoảng 5% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, doanh số TMĐT hằng năm tăng 10%; 15% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên các hoạt động và quảng bá sản phẩm; 50% doanh nghiệp thực hiện việc đặt, nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; 70% đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông và truyền thông cho phép người dân thanh toán bằng thẻ và các phương tiện điện tử. 

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, với các điều kiện hiện nay như cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, các thiết bị viễn thông, di động, giao thông, bến bãi, kho lạnh... là điều kiện thuận lợi để phát triển TMĐT ngành nông sản của tỉnh. Với các doanh nghiệp, bên cạnh thị trường và mô hình kinh doanh truyền thống đã từng bước tiếp cận với các thị trường trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua con đường TMĐT, cụ thể như: việc thiết lập các website TMĐT, trở thành thành viên bán hàng tích cực của các mạng lưới Shopee, Lazada, Sendo, Haravan, Google, Gcaeco, Amazon...

Nông sản địa phương bày bán tại Chương trình “Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu năm 2022”.

Tuy nhiên, hoạt động TMĐT cho mặt hàng nông sản còn manh mún, chưa đồng bộ, các hoạt động liên quan đến nguồn gốc mang tính truy xuất, chỉ dẫn địa lý hay vùng trồng chưa được thực hiện với nhiều sản phẩm. Do đó, để phát triển TMĐT nông sản tại địa phương, trong thời gian tới cần có sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, tỉnh, các sở, ban, ngành cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất để tạo ra được môi trường thuận lợi cho ngành này. Về phía ngành công thương, sẽ chú trọng tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền, tập huấn, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa và kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp. Các nhà sản xuất cũng cần có sự gắn kết chặt chẽ với những đơn vị có quy mô TMĐT lớn, đa ngành, đa phương tiện. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, cần có sự liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan, như: vận chuyển, kho bãi, lưu trữ hàng hóa để có thể kết nối, đưa nông dân lên các sàn thương mại, giảm khâu trung gian và mang đến người tiêu dùng những sản phẩm nông sản tốt nhất. 

Vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, các cơ quan liên quan triển khai số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó lựa chọn hộ đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để hỗ trợ, xây dựng thương hiệu nhằm dẫn dắt, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT. Ngoài ra, tổ chức giao dịch trên sàn TMĐT, xây dựng thói quen hoạt động trên nền tảng số; đồng thời, cung cấp cho các nông hộ thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón và sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng tốt, giá cả phù hợp...để góp phần giảm giá thành của sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.

Minh Thông - Khánh Huyền - Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.