Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

06:34, 30/03/2023

Đắk Lắk là địa bàn có diện tích rừng lớn, cùng với đặc trưng khí hậu nên nguy cơ cháy rừng rất cao vào mùa khô. Do đó, các ngành chức năng, địa phương và chủ rừng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Toàn tỉnh hiện có 426.046 ha rừng tự nhiên, 75.160 ha rừng trồng. Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ rừng thực hiện tốt công tác PCCCR như: Chỉ thị 02/CT-UBND, ngày 4/1/2023; Kế hoạch số 05/KH-UBND, ngày 9/1/2023 về bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh năm 2023... nhằm mục tiêu chủ động thực hiện công tác PCCCR để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Theo đó, các đơn vị chủ rừng, địa phương phải chủ động xây dựng, triển khai phương án PCCCR hiệu quả và chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR để xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Lực lượng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát dọn tạo đường băng cản lửa thời điểm trước mùa khô.

Để làm tốt công tác PCCCR, vấn đề quan trọng nhất là xác định khu vực trọng điểm cháy rừng. Cụ thể, khu vực nguy cơ cháy rừng rất cao gồm các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông, Lắk và Krông Búk, đặc biệt là 48.318 ha rừng trồng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại những địa phương này. Khu vực có nguy cơ cháy rừng cao gồm các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo, với diện tích 189.572 ha rừng tự nhiên có trạng thái là rừng rụng lá và rừng trồng. Khu vực có nguy cơ cháy gồm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư Kuin, Krông Ana, Krông Pắc với 10.798 ha rừng tự nhiên và rừng trồng.

Vào mùa khô, Đắk Lắk là một trong những địa phương có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao. Các tháng cao điểm (từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm), khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rất lớn là những địa bàn có diện tích lớn về rừng trồng, rừng khộp, rừng hỗn giao…

Để thực hiện tốt công tác PCCCR thì vai trò đầu tiên và quan trọng nhất chính là các chủ rừng. Đơn cử như Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có tổng diện tích hơn 26.887 ha, nhiều thảm thực vật có khả năng xảy ra cháy rừng, đặc biệt là tại các phân khu phục hồi sinh thái và khu vực rừng trồng, với diện tích gần 1.000 ha, thuộc các Tiểu khu 623, 628, 630, 631, 636, 637... Diện tích rừng trồng này đã hết thời kỳ đầu tư chăm sóc, nhưng do rừng ở đây là các loài cây bản địa, sinh trưởng phát triển chậm, thực bì là các loại cỏ tranh, cỏ đế, cỏ Mỹ, sậy... dày đặc nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao vào mùa khô và dễ bùng phát thành đám cháy lớn. Bên cạnh đó, người dân thường xuyên đi qua tuyến Quốc lộ 29 chạy qua khu bảo tồn, hay xâm nhập vào bằng đường mòn, lối mở để bẫy thú, đốt ong cũng kéo theo những nguy cơ gây cháy rừng. Từ trước mùa khô, đơn vị đã xây dựng, củng cố lực lượng PCCCR, kết hợp thành lập tổ, đội trực chiến sẵn sàng làm nhiệm vụ; chủ động bố trí cán bộ thường xuyên phối hợp với các tổ quản lý rừng cộng đồng của các thôn, buôn tiến hành tuần tra, canh gác 24/24 giờ; tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, các quy định về PCCCR cho người dân trên địa bàn. “Tại những "điểm nóng", khu vực có nguy cơ cháy cao, chúng tôi đã cày ủi đường băng cản lửa và bố trí chòi canh lửa để theo dõi, kiểm soát mọi tình huống”, ông Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết.

Rừng khộp thường có nguy cơ cháy rừng cao trong thời điểm mùa khô. Trong ảnh: Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại một dự án nông lâm nghiệp tại xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. 

Hay như Công ty TNHH Phan Thuấn có 444,85 ha rừng tại các Tiểu khu 228, 239, 248 thuộc xã Ea Bung (huyện Ea Súp). Phần lớn diện tích rừng tự nhiên của doanh nghiệp là rừng kiểu nửa rụng lá, thực bì nhiều. Bên cạnh đó, rừng tiếp giáp với khu vực đất sản xuất nên sau khi thu hoạch, người dân thường đốt rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, phát dọn nương rẫy dẫn đến nguy cơ cháy cao. Chưa kể, một số bà con vào rừng chặt cây, đốt ong sử dụng lửa bừa bãi cũng dễ đe dọa đến rừng. Để PCCCR hiệu quả, vào đầu mùa khô, công ty đã phát dọn thực bì, vật liệu cháy, khoanh vùng đốt non. Vào thời kỳ cao điểm, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, trực PCCCR. Đơn vị cũng phối hợp với ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về các quy định bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, công tác PCCCR được ngành kiểm lâm đặc biệt quan tâm và chủ động triển khai nhiều giải pháp với phương châm "phòng là chính". Đang là thời kỳ cao điểm mùa khô, các hạt kiểm lâm căn cứ những thông tin cảnh báo cháy rừng trên website của Cục Kiểm lâm để thông báo cấp cháy rừng đến các chủ rừng và chính quyền cấp xã để thực hiện công tác PCCCR. Với các đội kiểm lâm cơ động và PCCCR, theo dõi, giám sát chặt chẽ địa bàn, kiểm tra trang thiết bị cho công tác PCCCR. Sở NN-PTNT cũng thành lập đoàn kiểm tra về PCCCR do lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm làm trưởng đoàn, cùng các ngành công an, quân sự, chính quyền địa phương, tập trung kiểm tra việc xây dựng, thực hiện phương án PCCCR; phân công cán bộ tuần tra rừng, theo dõi cấp dự báo cháy rừng; đặc biệt là tổ chức thực hiện các quy định, điều kiện an toàn về PCCCR theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.