Multimedia Đọc Báo in

Dự án Đầu tư đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng

08:12, 02/03/2023

Các địa phương có Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua đang khẩn trương đẩy nhanh công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm sớm bàn giao mặt bằng để kịp thời gian khởi công Dự án theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài 117,5 km, điểm đầu tại vị trí giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Đẩy mạnh kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc

Để kịp khởi công Dự án trước ngày 30/6/2023 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022, các địa phương có dự án đi qua đã và đang tiến hành công tác kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc trên đất.

Huyện Krông Pắc là địa phương có tuyến cao tốc đi qua dài nhất với hơn 33 km, qua 8 xã gồm: Hòa Đông, Ea Knuếc, Ea Kênh, Ea Yông, Hòa Tiến, Tân Tiến, Ea Uy và xã Vụ Bổn. Tổng diện tích GPMB là 255 ha, có 206 hộ thuộc diện bị thu hồi đất ở, trong đó 157 hộ cần bố trí đất tái định cư, tập trung chủ yếu ở 3 nút giao giữa tuyến cao tốc với đường huyện tại xã Vụ Bổn, nút giao cao tốc với Tỉnh lộ 9 đoạn qua xã Tân Tiến và nút giao Tỉnh lộ 10 (quy hoạch nối dài) đoạn qua xã Ea Knuếc.

Nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin kiểm đếm cây trồng trên đất thuộc diện thu hồi đoạn qua xã Ea Ktur.

Hiện địa phương đã nhận bàn giao 1.959 cọc GPMB và ban hành thông báo thu hồi đất đối với các hộ dân. Các xã gồm Hòa Tiến, Ea Yông và Tân Tiến đã hoàn thành kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc trên đất, các địa phương còn lại đạt khoảng 60% khối lượng.

Ghi nhận tại xã Hòa Đông – địa phương có gần 3 km cao tốc đi qua, hiện công tác kiểm đếm đạt khoảng 70% khối lượng, địa phương đang tích cực phối hợp với ban tự quản thôn, buôn và các hộ dân đẩy nhanh nhiệm vụ này. Nhờ đó, quá trình triển khai thuận lợi, được người dân đồng tình, hưởng ứng.

Tại huyện Cư Kuin, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua hai xã Ea Ktur và Ea Ning với tổng chiều dài 3,58 km. Để triển khai Dự án, toàn huyện có 124 hộ dân, với 174 thửa đất thuộc diện bị thu hồi đất. Trong đó, đất của hộ gia đình, cá nhân là 75 thửa/49 hộ; đất của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Sim quản lý 25 thửa/23 hộ và Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea H’nin đang quản lý 58 thửa/45 hộ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban, đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Phó Trưởng Ban. Theo đó, định kỳ mỗi tháng, Ban Chỉ đạo họp triển khai thực hiện các nhiệm vụ về GPMB, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân có đất bị ảnh hưởng bởi Dự án thực hiện chủ trương của Nhà nước khi thu hồi đất. Đến cuối tháng 2/2023, Trung tâm đã phối hợp với các công ty cà phê thực hiện kiểm đếm được 14/15,9 ha (đạt 88%), còn lại đất của các hộ dân, Trung tâm đã ký hợp đồng với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để tiến hành đo đạc, ra trích lục; đồng thời tham mưu UBND huyện ra thông báo thu hồi đất và thực hiện kiểm đếm cây trồng, vật kiến trúc trên đất, phấn đấu trong tháng 6 năm nay bàn giao mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai Dự án.

Tập trung gỡ vướng

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai công tác GPMB dự án này ở các địa phương gặp không ít khó khăn.

Đơn cử, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) gặp khó trong việc kiểm đếm vì một số hộ có đất xâm canh không thường trú trên địa bàn; tại xã Ea Kênh việc kiểm đếm phải dừng lại vì một số cột mốc điều chỉnh; 4 xã gồm Vụ Bổn, Ea Uy, Ea Yông và Hòa Tiến có thu hồi đất của Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Phước An hiện chưa có trích lục và thông báo thu hồi đất…

Chủ đất phối hợp, tạo điều kiện để cán bộ xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc thực hiện kiểm đếm cây trồng.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB, tái định cư Dự án đoạn qua địa bàn huyện cho biết, để tháo gỡ các vướng mắc, Ban Chỉ đạo đã đề nghị các phòng, ban và địa phương tập trung nhân lực ưu tiên phục vụ công tác GPMB Dự án. Trong đó, giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy tăng cường công tác định hướng, tuyên truyền về việc giải quyết khiếu nại đến đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất. Các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nhiệm vụ GPMB, tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện Dự án…

Trong khi đó, tại huyện Cư Kuin, qua nghiên cứu hồ sơ thiết kế đối với tuyến mương thoát nước ở Km113+200 – Km113+400, hệ thống mương thoát nước có cửa xả đổ vào phần diện tích đất trồng cây lâu năm của một hộ dân đang sử dụng. Tại vị trí này không có hệ thống thoát nước có sẵn (ao, hồ, sông, suối), vì vậy sau khi sử dụng sẽ gây ngập úng. Liên quan đến vướng mắc này, huyện Cư Kuin đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan thay đổi thiết kế tuyến kênh mương tại vị trí Km112+200 – Km112+300 (vì đoạn này có sẵn ao, hồ tự nhiên) sẽ tiết kiệm chi phí GPMB.

Huyện Ea Kar có 14 km cao tốc đi qua địa bàn hai xã Cư Bông và Cư Elang, tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện Dự án là 356 ha. Quá trình triển khai, địa phương gặp một số khó khăn như hiện nay còn 600 m chưa bàn giao mốc GPMB; phương án tuyến đi qua đoạn này phức tạp về địa hình nên phải điều chỉnh, phải dịch chuyển mốc đã bàn giao (dự kiến điều chỉnh 53/62 mốc đã bàn giao). Để khắc phục những khó khăn này, mới đây, tại cuộc họp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai công tác GPMB Dự án, UBND huyện Ea Kar đề nghị Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) nêu rõ lý do thay đổi hướng tuyến để huyện có cơ sở phê duyệt các chi phí GPMB theo quy định. Đồng thời đề nghị Ban Quản lý dự án 6 tổ chức triển khai cắm và bàn giao kịp thời mốc GPMB, hoàn thành ngày 10/3/2023 để địa phương có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.