Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng sức cạnh tranh cho sầu riêng xuất khẩu

12:45, 22/03/2023

Đắk Lắk đang là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai của cả nước, việc xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng là cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk - Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

Nhiều thách thức

Hiện nay, Đắk Lắk hiện có 15.250 ha sầu riêng, sản lượng đạt 156.392 tấn. Mặc dù thị trường Trung Quốc đang mở cửa nhưng không còn “dễ tính”, với rất nhiều yêu cầu khắt khe đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có sầu riêng.

Một cơ sở ở huyện Krông Pắc sơ chế sầu riêng để cấp đông. Ảnh: Tuyết Mai

Theo Bộ NN-PTNT, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng, trong đó sầu riêng Thái Lan "phủ sóng" tại Trung Quốc nhiều năm nay. Ngoài việc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, thì từ ngày 4/1/2023, Trung Quốc cũng cho phép sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Mặc dù hiện nay sầu riêng Việt được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, giá bán cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, nhưng với bề dày về xuất khẩu loại trái cây này, Thái Lan đang có những chiến lược để tăng chất lượng sản phẩm thay vì tăng số lượng để gia tăng giá trị. Cùng với đó, Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt một ngày, chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. “Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bagico (tỉnh Bắc Giang), ngành hàng sầu riêng của Việt Nam mới tự tin đi vào thị trường Trung Quốc cách đây chưa lâu, nhưng trước đó trái sầu riêng của nước ta đã đi vào thị trường này bằng nhiều con đường, theo kiểu “danh không chính, ngôn không thuận”. Do chúng ta đi kiểu "đường vòng" nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có nhiều lô hàng hư hỏng, thậm chí mất trắng trong quá trình vận chuyển.

Mặt khác, một số khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số vùng trồng, mã đóng gói để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Trong khi đó, người dân còn thiếu hiểu biết về chủ thể đại diện và sử dụng mã số vùng trồng. Việc quản lý sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được giao cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng (cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu) triển khai thực hiện, do đó các cơ quan, ban, ngành tại địa phương chưa vào cuộc đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng mã số. Nếu không sớm khắc phục những vấn đề này sẽ khó mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc vì các đối thủ cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam ngày càng mạnh.

Cần định vị giá trị sản phẩm

Theo nhận định của các chuyên gia, giá sầu riêng Đắk Lắk - Việt Nam còn thấp so với thị trường thế giới nhưng việc phát triển đang dần được chuẩn hóa và có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, trước yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu mặt hàng sầu riêng, việc liên kết nông dân trồng sầu riêng để ngành hàng này phát triển bền vững là vấn đề mà các ngành chức năng tỉnh thực hiện càng sớm càng tốt.

Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa tại Đại hội Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk khóa I, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ, với những lợi thế cạnh tranh vượt trội về nguồn cung lẫn giá cả so với Thái Lan thì ngành hàng sầu riêng của nước ta còn nhiều dư địa tham gia vào thị trường lớn nhất thế giới này. Để làm được điều đó, trước tiên cần xây dựng được thương hiệu ngay tại thị trường trong nước, từ đó có cơ hội đi vào thị trường Trung Quốc cũng như quốc tế, bởi trong chuỗi giá trị thì giá trị thương hiệu là giá trị lớn nhất. Bên cạnh đó, cái nền móng, cốt lõi để xây dựng thương hiệu bền vững là cần tạo được mạng lưới kết nối giữa người sản xuất và người thu mua để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về thị trường, công nghệ. Người sản xuất nông nghiệp sẽ là đối tác, là nhà cung cấp cho người thu mua. Khi là đối tác của nhau thì sẽ luôn muốn hỗ trợ nhau tốt nhất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu của quốc tế, nâng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, người sản xuất và doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số để chủ động trong khâu kết nối thị trường.

Phát biểu tại buổi ra mắt Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Để đưa ngành hàng sầu riêng thâm nhập vào thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ, bền chặt và tạo ra lợi nhuận cao hơn thì cần có sự đồng tâm hợp tác, liên kết giữa chính quyền địa phương, người nông dân, doanh nghiệp để xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững, từ đó tạo nên thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng Việt Nam, rộng đường vươn tầm thế giới.

Minh Thuận - Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.