Multimedia Đọc Báo in

Giám sát về công tác trồng rừng, phát triển rừng tại huyện Ea Súp

17:53, 20/03/2023

Ngày 20/3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Ea Súp về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung, phát triển rừng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2019 – 2022.

Huyện Ea Súp có gần 147.512 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, trong đó, diện tích đất có rừng gần 72.178 ha, đất chưa thành rừng hơn 75.334 ha.

Trong giai đoạn 2019 – 2022, trên địa bàn huyện đã trồng được 914 ha rừng. Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương đạt 42,3%, đến cuối năm 2022, tỷ lệ này là 40,89%.

Phó CHủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi giám sát.

Trên địa bàn huyện có 26 dự án nông lâm nghiệp, với tổng diện tích 17.299,7 ha. Tại các dự án này, tình trạng suy giảm diện tích, trữ lượng rừng vẫn còn xảy ra; các doanh nghiệp chưa xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Bên cạnh đó, rừng do UBND các xã, thị trấn quản lý với diện tích 25.931 ha không được bảo vệ hiệu quả, dẫn đến bị xâm hại, suy giảm. Giai đoạn 2019 – 2022, toàn  huyện xử lý 655 vụ vi phạm quy định về QLBVR.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa - Đắk Lắk
Đoàn giám sát làm việc với Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa - Đắk Lắk.

Đoàn giám sát đã yêu cầu huyện Ea Súp thông tin rõ về vác dự án trồng rừng chậm, không triển khai; công tác chỉ đạo, điều hành của huyện và thực hiện của cơ quan chức năng, doanh nghiệp về quy định QLBVR, nhất là hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, dân di cư tự do…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng phát biểu tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng phát biểu tại buổi giám sát.

Huyện Ea Súp kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xử lý doanh nghiệp để mất rừng đối với các dự án không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; cho phép lập thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư song song với đề án sử dụng đất nhằm rút ngắn thời gian hoàn chỉnh thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, bảo đảm kinh phí để huyện điều tra, đánh giá hiện trạng rừng do UBND cấp xã quản lý để kêu gọi đầu tư, lập kế hoạch giao rừng hằng năm…

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác QLBVR, trồng rừng của huyện Ea Súp, nhất là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và các chủ rừng.

Tuy nhiên, địa phương cần có giải pháp giải quyết tình trạng diện tích rừng ngày càng suy giảm, độ che phủ rừng vẫn còn thấp; năng suất, chất lượng rừng chưa cao; người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng; tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản vẫn còn diễn ra…

Với những kiến nghị của huyện, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề xuất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.