Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động

08:20, 14/03/2023

Năm 2023, huyện Krông Bông phấn đấu có 40 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), tăng 21 người so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần có giải pháp mang tính đột phá.

Nhiều chướng ngại...  cản bước

Tháng 4/2021, xã Hòa Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Cũng như một số địa phương khó khăn khác, dẫu đạt chuẩn NTM song chính quyền địa phương rất trăn trở về các tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo... chưa bền vững (năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã 6,9%). Áp lực càng tăng lên bởi để đạt xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 thì các tiêu chí trên đã khó lại càng thêm khó, khi đến cuối năm 2022 xã còn đến 195 hộ nghèo (chiếm 8,26%), 346 hộ cận nghèo (chiếm 14,66%).

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm việc với lãnh đạo xã Hòa Sơn về tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Trong số những giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, chính quyền xã Hòa Sơn nghĩ đến giải pháp XKLĐ bởi địa phương có nguồn lao động trong độ tuổi từ 18 - 35 tuổi khá đông; tuy nhiên việc này cũng không dễ dàng.

Tại buổi làm việc giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH), Phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Bông với Đảng ủy, UBND và các tổ chức, đoàn thể xã Hòa Sơn vào cuối tháng 2/2023 để tìm giải pháp thúc đẩy công tác XKLĐ, lãnh đạo xã cho biết, người dân địa phương ''e ngại" đi XKLĐ, trước tiên là ngại đi đến một đất nước xa lạ, thời gian xa gia đình lâu. Thứ hai là sự bất đồng về ngôn ngữ, về văn hóa sẽ khó hòa nhập, chưa kể những rủi ro, bất trắc xảy ra trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Chính điều này mà năm 2022, cả xã chỉ có 6 người, giai đoạn 2006 - 2009 có khoảng 10 người đi XKLĐ, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc.

Tương tự, tại xã Cư Pui, năm 2022 số người đi XKLĐ "đếm chưa hết đầu ngón tay", dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Nguyên nhân là do, xã có đến 90% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc phía Bắc, ngoài những khó khăn trên thì nhận thức, trình độ học vấn hạn chế, hiểu biết pháp luật chưa cao, thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là không có vốn là "chướng ngại" khiến người lao động chưa mặn mà đi XKLĐ.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã phân tích: "Người nghèo được hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài. Song người dân ở đây đa phần thuộc hộ nghèo, tiền mua gạo ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra 5 - 10 triệu đồng để bù vào phần chi phí chênh lệch đi XKLĐ. Cái khó nhất là sau khi trúng đơn hàng, có hợp đồng lao động, người lao động mới được vay vốn ưu đãi".

Để người dân, chính quyền địa phương tin

Trao đổi xung quanh kết quả XKLĐ, bà Trương Thị Bích Vân, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn thẳng thắn, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị đến địa bàn xã tuyển dụng người đi XKLĐ, cung cấp nhiều thông tin khác nhau làm cho người lao động có những đắn đo, e ngại. Ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương cũng lo lắng bởi thông tin về thị trường XKLĐ khá “mờ mịt”, lại chưa có một cơ sở pháp lý nào vững chắc từ doanh nghiệp đến tuyển dụng để hướng người lao động đi XKLĐ.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm trao đổi về những "chướng ngại" trong công tác xuất khẩu lao động tại địa phương.

Sự quan ngại này cũng đã được lãnh đạo Đảng ủy, UBND và các tổ chức đoàn thể xã Cư Pui trao đổi tại buổi làm việc giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh hoạt động XKLĐ trên địa bàn mới đây. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Tâm, để khắc phục thực trạng này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước; chính sách, pháp luật hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, tư vấn các thị trường phù hợp với từng vùng, từng địa phương, để người lao động nắm bắt, lựa chọn cũng như việc quản lý nhà nước đối với công tác này. Bên cạnh đó, cần truyền thông những gương điển hình đi nước ngoài làm việc hiệu quả, giúp người lao động nghèo, lao động DTTS tự tin, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

 

Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp để thoát nghèo, Phòng LĐ-TB&XH huyện chọn xã Hòa Sơn và xã Cư Pui để làm điểm về công tác XKLĐ trong năm 2023. Trên cơ sở kết quả làm việc, phòng sẽ tham mưu xây dựng quy chế phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đi XKLĐ".

 
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đinh Trần Thị Bích Nga

Về vấn đề này, ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định, đơn vị sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn theo nhóm hộ gia đình, theo từng nhóm đối tượng có nhu cầu đi XKLĐ không kể thời gian nghỉ lễ hay ban đêm… Vì vậy, rất cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo các chi bộ thôn, buôn, tổ chức đoàn thể rà soát, nắm bắt số lượng người trong độ tuổi lao động có nhu cầu đi XKLĐ; trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ cử cán bộ về tư vấn, hướng dẫn kịp thời. Trung tâm cam kết, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà Trung tâm giới thiệu là những công ty uy tín, đã được xác minh về mọi mặt, thời gian qua đã thực hiện tốt việc đưa lao động sang những thị trường ngoài nước ổn định, mang lại hiệu quả.

Đối với nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện khẳng định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn đi XKLĐ đúng quy định.

Anh Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.