Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk: Khẳng định vai trò trong tiến trình chuyển đổi số
33 năm hình thành và phát triển, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Lắk đã khẳng định được vị thế, vai trò trong hệ thống bộ máy quản lý tài chính nhà nước, là công cụ quan trọng, quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền tại địa phương.
Nỗ lực xây dựng nền tài chính địa phương
KBNN Đắk Lắk thành lập ngày 1/4/1990 theo Quyết định số 185 TC/QĐ/TCCB ngày 21/3/1990 của Bộ Tài chính. Trong suốt 33 năm hình thành và phát triển, đơn vị đã thay đổi căn bản, toàn diện cả về thể chế, chính sách và tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực, trong đó lấy công nghệ thông tin làm nền tảng để thực hiện đồng bộ ba chức năng chủ yếu: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tổng kế toán nhà nước.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk cùng ôn lại những kết quả đạt được trong chặng đường 33 năm hình thành và phát triển. |
KBNN Đắk Lắk đã chủ động bám sát chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của các bộ, ban ngành và địa phương, kịp thời triển khai và đề ra các biện pháp sát thực, cụ thể về quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN. Cùng với đó, thường xuyên quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, xây dựng văn hóa trong giao tiếp với khách hàng, duy trì kỷ cương, kỷ luật, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân và chủ động trong nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý tình huống; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm soát công việc và nhiệm vụ được giao của đơn vị.
Sẵn sàng tiến tới Kho bạc số
Thực hiện chiến lược phát triển kho bạc hoạt động hoàn toàn trên môi trường số, những năm gần đây, KBNN Đắk Lắk đã tích cực triển khai hoạt động hiện đại hóa trên tất cả các mặt nghiệp vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa các giao dịch thu, chi ngân sách; phát triển hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, sẵn sàng tiến tới Kho bạc số.
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk Nguyễn Công Điều nhấn mạnh vai trò của KBNN Đắk Lắk trong tiến trình chuyển đổi số. |
Hiện nay, KBNN Đắk Lắk đã có 100% đơn vị thụ hưởng NSNN (1.996/1.996 đơn vị thuộc diện bắt buộc với số lượng tài khoản giao dịch là 6.508 tài khoản) sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN; 100% chứng từ được giao dịch thông qua dịch vụ công (trừ đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng). Hầu hết các giao dịch thu, chi bằng tiền mặt đều thông qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn, lượng tiền mặt đi qua KBNN đã giảm đáng kể, chỉ còn 0,65%/tổng chi bằng tiền mặt.
Khách hàng giao dịch tại KBNN Đắk Lắk. |
Việc thanh toán qua các kênh thanh toán song phương điện tử và thanh toán liên ngân hàng cũng được đơn vị áp dụng thông suốt, an toàn và mang lại hiệu quả cao với doanh số giao dịch thu, chi qua ngân hàng thương mại đạt trên 1.350 tỷ đồng phát sinh tính riêng trong quý I/2023. Qua đó đã góp phần giảm đáng kể việc sử dụng tiền mặt trong khu vực công với doanh số phát sinh trên 6.346 tỷ đồng trong năm 2022.
Hiện, KBNN Đắk Lắk đã phối hợp thu với 9 ngân hàng thương mại trên địa bàn, doanh số phát sinh thu qua ngân hàng thương mại đạt trên 5.505 tỷ đồng. Việc triển khai đề án phối hợp thu giữa KBNN – Ngân hàng thương mại – Thuế cũng đạt hiệu quả cao.
Hướng đến hiện đại, hiệu quả và phục vụ
Theo Giám đốc KBNN Đắk Lắk Nguyễn Công Điều, để tổ chức triển khai lộ trình Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, hướng tới Kho bạc số, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách đảm bảo tính pháp lý, đồng bộ và tính khả thi cao. Trước hết là thiết kế mô hình kho bạc chuẩn, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu cải cách của Chính phủ, theo hướng chuyển đổi số, số hóa và một nền hành chính phục vụ. Đồng thời, nghiên cứu chế độ, chính sách mới về quy trình, thủ tục giao dịch của KBNN trong thời kỳ mới theo phương châm "4 không": không có khách hàng đến giao dịch tại trụ sở Kho bạc; không có chứng từ giấy trong hoạt động giao dịch, thanh toán; không dùng tiền mặt trong giao dịch với Kho bạc và không theo địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã (theo mô hình kho bạc 2 cấp và kho bạc khu vực). Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KBNN, coi đây là nền tảng, có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số và số hóa hoạt động KBNN trong tương lai.
Song song với công tác chuyên môn nghiệp vụ, KBNN Đắk Lắk thường xuyên chú trọng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. |
Bên cạnh đó, KBNN Đắk Lắk cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KBNN từ nay đến năm 2030; hình thành đội ngũ công chức Kho bạc thực sự tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu về công nghệ, có năng lực nghiên cứu và tư duy đổi mới, sáng tạo, năng động để đảm nhiệm các chức trách, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, cần đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất về hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật nghiệp vụ từ các cơ quan, tổ chức và chính quyền các cấp. Đây là điều kiện cần thiết, có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả từ phía các tổ chức, cơ quan, chính quyền các cấp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin đồng bộ, sự đồng thuận và nguồn nhân lực tổ chức thực hiện, nhất là các đơn vị thụ hưởng NSNN có quan hệ giao dịch với KBNN nhằm giúp cơ quan KBNN có bước chuyển từ Kho bạc điện tử hướng tới Kho bạc số theo đúng tiến độ đề ra trong giai đoạn 2025 - 2030.
Trong suốt 33 năm hình thành và phát triển, KBNN Đắk Lắk đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2003), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2008) và Cờ thi đua của Chính phủ vào năm 2013. |
Minh Khang
Ý kiến bạn đọc