Multimedia Đọc Báo in

Thông tư số 2: Gỡ vướng cho hoạt động đăng kiểm

08:07, 24/03/2023

Ngày 21/3/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 2/2023/TT-BGTVT (gọi là Thông tư số 2) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22/3/2023. Trong đó, có hai nội dung đáng chú ý là miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô tô chưa qua sử dụng và điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.

Lợi cho người dân, doanh nghiệp

Cụ thể, Thông tư số 2 quy định điều kiện của phương tiện được áp dụng miễn kiểm định lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-04D kiểm định cho phương tiện.

Về điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.

Với ô tô chở người trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng. Đối với nhóm ô tô tải, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.

Thông tư này được đánh giá là theo sát thông lệ quốc tế, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định của các nước trên thế giới, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.

Ông Cao Anh Sáng, Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk cho biết, trước đây, thông thường một số xe ô tô không kinh doanh vận tải chạy 20 năm sẽ phải kiểm định tới 26 lần, còn đối với xe taxi niên hạn không quá 12 năm thì số lần đăng kiểm khoảng 13 - 14 lần. So với các nước trên thế giới, số lần phương tiện xe cơ giới phải đăng kiểm tại nước ta cao hơn nhiều. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, Nhật Bản xe có niên hạn sử dụng 20 năm chỉ mất 9 lần đăng kiểm, một chiếc xe con sử dụng 20 năm ở Singapore cũng chỉ phải kiểm định tổng cộng 15 lần, thậm chí một số bang ở nước Mỹ không có khái niệm về đăng kiểm… Việc ban hành Thông tư số 2 này của Bộ GTVT dù hơi muộn nhưng thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định về đăng kiểm lần đầu đối với xe mới từ khá lâu. Thực tế, xe mới khi xuất xưởng đều bảo đảm các tiêu chí về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, việc kiểm định lần đầu theo các quy định cũ chỉ mang tính hình thức (chủ yếu để dán tem kiểm định) và tốn khá nhiều chi phí, thời gian của doanh nghiệp, người dân. Với một Tập đoàn lớn như Mai Linh (có khoảng 15.000 ô tô kinh doanh vận tải bằng taxi) phải mất hơn 500 triệu đồng cho công tác kiểm định lần đầu.

Giảm áp lực sân bãi tại trung tâm đăng kiểm

Các quy định bổ sung, sửa đổi tại Thông tư số 2 không những mang đến lợi ích cho doanh nghiệp và người dân mà còn góp phần giảm áp lực cho đơn vị đăng kiểm đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc như hiện nay.

Phương tiện kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-02D (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-01D (TP. Buôn Ma Thuột), quy định mới tại Thông tư số 2 góp phần giảm một phần áp lực sân bãi cho đơn vị. Đơn cử, trước đây, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 15 - 30 xe ô tô mới đến kiểm định, từ ngày 22/3/2023 chủ xe ô tô mới khi đến làm thủ tục để cấp tem kiểm định không cần mang xe đến nên sẽ giảm đáng kể số xe đậu ở sân, hạn chế tình trạng ùn ứ. Tuy nhiên, trung tâm vẫn còn băn khoăn do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn về việc trích phần trăm cho các trung tâm đăng kiểm trong việc tiếp nhận hồ sơ, cấp tem kiểm định đối với xe ô tô mới chưa lưu hành. Vì thực tế, dù phương tiện không phải vào dây chuyền kiểm định (không mất thời gian để kiểm định), nhưng các trung tâm phải phân công cán bộ, nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhập dữ liệu và cấp tem kiểm định cho chủ xe. Thêm vào đó, trung tâm phải bỏ chi phí mua tem và giấy chứng nhận (theo quy định cũ, lệ phí này các trung tâm phải nộp vào ngân sách nhà nước). Với khoảng 30 xe mới/ngày đến làm thủ tục như hiện nay, mỗi ngày trung tâm phải bố trí 2 nhân viên tiếp nhận hồ sơ cho chủ xe mới, mỗi hồ sơ mất từ 15 - 20 phút. Như ngày đầu tiên Thông tư số 2 có hiệu lực, tại trung tâm đã tiếp nhận và cấp tem kiểm định cho 14 trường hợp, trong đó 10 ô tô con và 4 xe tải.

Theo dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2023 sẽ có khoảng hơn 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Với mức phí kiểm định từ 250.000 - 570.000 đồng/xe (tương ứng với từng loại xe), chính sách miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cùng với thời gian, công sức của nhiều người. Như tại Đắk Lắk, trong năm 2022, cơ quan chuyên môn đã đăng ký mới, cấp biển số cho 90.441 phương tiện các loại, trong đó có gần 7.770 ô tô, theo mức phí quy định hiện hành sẽ tiết kiệm được từ 2 - 4 tỷ đồng (tùy thuộc vào từng loại xe) từ việc miễn kiểm định lần đầu. Những con số này cho thấy Thông tư số 2 là bước khởi đầu để hướng tới xây dựng toàn diện một hệ thống mới cho lĩnh vực đăng kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, hạn chế thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc