Multimedia Đọc Báo in

Bán hàng đa kênh: Phương thức giúp doanh nghiệp tăng trưởng

08:04, 03/04/2023

Kinh doanh trong bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã phát triển đa kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng cũng ngày càng sử dụng nhiều kênh để mua sắm và cởi mở hơn trong lựa chọn mua hàng.

Doanh nghiệp gia tăng đơn hàng trên nền tảng số

Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk dành nhiều ưu tiên cho công tác nhân sự, phát triển các kênh bán hàng trên nền tảng số. Theo đó, công ty chủ động kết nối khách hàng, linh hoạt các kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm trực tuyến từ website đến mạng xã hội, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín. Việc này giúp đơn vị tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trên thế giới. Xuất khẩu qua thương mại điện tử mang lại kết quả khả quan và có tiềm năng lớn. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử, mở rộng khách hàng của công ty tăng 50% so với năm trước.

Sản xuất giày dép nhựa tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại - Dịch vụ Việt Thắng.

Tương tự, từ năm 2016 Công ty TNHH Sản xuất Thương mại - Dịch vụ Việt Thắng (huyện Ea Kar) bắt đầu quan tâm triển khai chuyển đổi số. Việc làm này đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động kinh doanh tại đơn vị. Hiện tại, nhiều công đoạn từ xác nhận, quản lý đơn hàng, chấm công, báo cáo tiến độ công tác đều thực hiện online. Đặc biệt, kênh tiếp thị, chào bán sản phẩm trực tuyến thông qua website của công ty, mạng xã hội Zalo, Facebook, bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... thu hút nhiều khách hàng.

 

“Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là xu thế “sống còn” của doanh nghiệp. Nền tảng số giúp doanh nghiệp phát triển các hoạt động xuất khẩu, tiếp cận được với nhiều khách hàng mới. Thông qua thương mại điện tử, đối tác quốc tế cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm cũng như doanh nghiệp" - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk Lê Đức Huy.

Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cho hay, nhờ chuyển đổi số, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị hiệu quả hơn. Hiện, công ty có đến hơn 50 mẫu mã sản phẩm, thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp dễ dàng cập nhật thông tin về sản phẩm, đăng tải hình ảnh để quảng bá, chào hàng, xây dựng thương hiệu... giúp nhiều khách hàng biết đến và có thêm nhiều đơn hàng mới hơn. Trên đà này, đơn vị đang hướng đến xuất khẩu trong thời gian đến.

Chuyển đổi số đang được xác định là động lực tạo sự phát triển cho doanh nghiệp. Nhờ ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh, độ tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn và “độ phủ” cho thương hiệu của sản phẩm ngày được gia tăng, trong khi đó, tiết giảm được nhân sự, chi phí thuê mặt bằng cho doanh nghiệp.

Linh hoạt giữa kênh bán hàng truyền thống và hiện đại

Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang duy trì kênh bán hàng truyền thống và hiện đại, vừa bán hàng trực tiếp vừa kinh doanh online trên nền tảng số. Việc tích hợp này mang lại nhiều tiện ích, dễ tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn và khai thác tối đa lượng khách hàng tiềm năng.

Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (huyện Cư M’gar) vừa tích cực tham gia các hoạt động bán hàng, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, phiên chợ xanh... vừa tập trung duy trì, phát triển các đại lý, nhà phân phối, điểm bán lẻ cố định trong cả nước. Bình quân, mỗi năm, đơn vị tham gia hơn 10 hội chợ, triển lãm về chuyên đề thực phẩm, cà phê, đồ uống... trong và ngoài tỉnh để có cơ hội gặp gỡ trực tiếp khách hàng. Cùng với đó, đơn vị còn chú trọng truyền thông, chào bán sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội, website của công ty.

Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng tích cực mang sản phẩm giới thiệu, bày bán tại các hội chợ trong nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng Phòng Marketing công ty, thói quen truyền thống của người tiêu dùng vẫn là đến mua sắm trực tiếp, được tận mắt nhìn thấy sản phẩm và tự tay chọn mua. Ở một phân khúc khách hàng khác thì thường tập trung ở người trẻ, họ thích giao dịch mua bán nhanh chóng, tiện lợi trên nền tảng số. Do đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh tốt, tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh này thì phải bảo đảm tỷ trọng bán hàng trực tuyến và trực tiếp phù hợp nhằm tìm kiếm đối tác, khách hàng, tạo dấu ấn, thương hiệu cho riêng mình.

Bán hàng đa kênh là phương thức được ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, từ đó giúp tăng doanh số bán lẻ. Theo nhiều doanh nghiệp, việc tối ưu hóa việc tiêu thụ sản phẩm theo kênh truyền thống (offline) và trên nền tảng số (online) không chỉ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước mà còn giúp lan tỏa đến nhiều người dùng trên thế giới.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, trong xu thế hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất định phải song hành cùng với công nghệ. Việc đa dạng các loại hình kinh doanh, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và các nền tảng bán hàng hiện đại giúp doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, tăng cơ hội kinh doanh cũng như xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thích ứng với xu hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.