Multimedia Đọc Báo in

Cần gỡ những “điểm nghẽn”

04:44, 17/04/2023

Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Đắk Lắk đã bị tụt 26 bậc, từ vị trí thứ 34 xuống vị trí thứ 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là vị trí thấp nhất của Đắk Lắk kể từ khi Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005.

PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, được dùng để đánh giá và xếp hạng các chính quyền cấp tỉnh thành của Việt Nam về chất lượng điều hành trong kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh. Ý nghĩa xây dựng chỉ số PCI là để tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành phố lại có thể vượt lên các tỉnh, thành phố khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (áo trắng) trao đổi với người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hoàng Gia

Theo ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, không thể phủ nhận nỗ lực của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua. Điều đó thể hiện ở một số chỉ số quan trọng đã tăng điểm so với năm 2021, như: Chỉ số Gia nhập thị trường (tăng 0,31 điểm, từ 6,32 lên 6,63 điểm); chỉ số Tính minh bạch (tăng 0,01 điểm, từ 5,34 lêm 5,35 điểm); chỉ số Chi phí không chính thức (tăng 0,29 điểm, từ 6,69 lên 6,98 điểm). Tuy nhiên, nhiều chỉ số khác của Đắk Lắk lại giảm điểm mạnh, điểm số của các chỉ số tăng không đủ bù đắp cho những chỉ số giảm điểm dẫn đến chỉ số, thứ bậc PCI của tỉnh tụt giảm.

 

“Thứ hạng PCI là một “cuộc đua” giữa các địa phương. Vì là “cuộc đua” nên địa phương nào "lơ là" sẽ dễ bị tụt lại phía sau. Một yếu tố khác có thể tác động đến chỉ số PCI thấp là do trong vài năm trở lại đây, kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến sự “bi quan” của DN trong quá trình khảo sát” - ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng.

Chẳng hạn, chỉ số Đào tạo lao động giảm 2,24 điểm (từ 5,97 xuống 3,73 điểm), đứng 63/63 tỉnh thành. Đối với chỉ số này, theo phản ánh của hầu hết doanh nghiệp (DN) thì họ rất khó tuyển dụng lao động tại địa phương (cả lao động phổ thông lẫn lao động quản lý); chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo lao động cao; tỷ lệ lao động đáp ứng yêu cầu của DN thấp. Hay chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm 1,94 điểm (từ 7,17 xuống 5,23 điểm). Theo phản ánh của DN, địa phương đang có xu hướng ưu ái cho các DN lớn. Điều này không sai, bởi địa phương nào cũng cần có những DN “đầu tàu”, nhưng “cái dở” ở đây là cùng với ưu ái cho DN lớn là gây khó khăn cho DN nhỏ và vừa, nhất là trong việc tiếp cận thông tin. Chỉ số Tiếp cận đất đai giảm 0,78 điểm (từ 7,71 xuống 6,93), 75% số DN được khảo sát cho rằng việc tiếp cận đất đai ở Đắk Lắk gặp khó khăn, thủ tục rườm rà, thiếu quỹ đất “sạch”. Chỉ số Tính năng động giảm 0,37 điểm (từ 6,59 xuống 6,22 điểm) bởi có đến 71% DN cho rằng các sở, ngành không thực hiện chủ trương, chính sách do lãnh đạo tỉnh đưa ra (xếp thứ 55/63 tỉnh thành); 74% DN phản ánh các huyện, thị, thành phố không thực hiện chủ trương, chính sách do lãnh đạo tỉnh đưa ra (xếp 56/63 tỉnh thành). Và một chỉ số đáng lưu ý khác là chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 1,1 điểm (từ 6,81 xuống 5,71). Với chỉ số này, gần 80% DN được khảo sát cho rằng, tỉnh thiếu tính nhất quán trong tạo điều kiện cho DN; số lần thanh kiểm tra của các ngành chức năng trên địa bàn vượt quá quy định; DN khó tiếp cận với các chương trình hỗ trợ phát triển…

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Ông Hồ Anh Tuân cho rằng, với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk đang nhận được sự quan tâm rất lớn và tỉnh cũng có nhiều dư địa để phát triển. Do vậy, bên cạnh đầu tư xây dựng “hạ tầng cứng”, tỉnh cũng cần quan tâm tạo dựng cho mình “hạ tầng mềm” vững chắc thông qua các cơ chế, chính sách, hành động hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng DN. Trong giới hạn nguồn lực và thực tế của mình, Đắk Lắk cần tập trung cải thiện những chỉ số trong khả năng. Cụ thể, tập trung cải thiện chất lượng đào tạo cả trước mắt lẫn lâu dài, cần gắn đào tạo với nhu cầu của DN; cải thiện khả năng cung cấp, công khai thông tin để cả cộng đồng DN có thể nắm bắt sớm những chủ trương, chính sách; việc chuyển đổi số phải thực chất hơn, hướng đến tạo thuận lợi, sự hài lòng của người dân và DN… Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đối với các sở, ngành, địa phương để các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính địa phương.

Bảng so sánh điểm chỉ số thành phần PCI tỉnh Đắk Lắk năm 2021 và 2022.
Bảng xếp hạng PCI tỉnh Đắk Lắk từ năm 2006 đến nay. Đồ họa: Công Định

Có thể thấy, kết quả PCI 2022 sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích để địa phương xác định những “điểm nghẽn” trong điều hành kinh tế cũng như có thể đưa ra được những giải pháp phù hợp để tiến hành hoạt động phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Ở một khía cạnh nào đó, Chỉ số PCI cũng là một trong những cách thức mà xã hội, doanh nghiệp nói với chính quyền về cung cách điều hành, thực thi pháp luật. Do vậy, tuy chỉ là một nguồn tham khảo, nhưng Chỉ số PCI nên chăng cần được xem như là một trong những động lực phát triển của địa phương trong thời gian tới để nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, mang đến niềm tin, sự hài lòng, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.