Multimedia Đọc Báo in

Chặn dòng Hồ chứa nước Krông Pách thượng: Ea Kar sẵn sàng các phương án chủ động điều tiết nước

06:55, 24/04/2023

Trước nguy cơ trên 1.500 ha cây trồng sử dụng nguồn nước tưới từ sông Krông Pắc bị thiếu nước, nhất là đối với cây lúa sau khi chặn dòng, thi công vượt lũ cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, huyện Ea Kar đã và đang tích cực triển khai các phương án chống hạn, điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Ea Păl gieo trồng được 70 ha lúa, cà phê và liên kết sản xuất thêm 120 ha với các hộ dân trên địa bàn xã Ea Păl.

Ông Nguyễn Đình Ba, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ea Păl cho biết: Sau khi chặn dòng công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng, HTX đã sử dụng hai máy bơm cả ngày lẫn đêm, phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Đồng thời, huy động lực lượng và thuê thêm người nạo vét kênh mương, làm đập tràn điều tiết nước từ cao xuống vùng hạ du, đưa nước từ sông Krông Pắc về các trạm bơm của HTX để bơm nước vào đồng ruộng. HTX cũng đã lắp thêm các máy nổ, bơm điện dọc bờ sông Krông Pắc để hỗ trợ bơm nước cho các hộ trong trường hợp cần thiết.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ea Păl (huyện Ea Kar) chủ động tổ chức bơm nước chống hạn cho cây trồng.

Còn tại HTX Nông nghiệp 714 hiện có 51 thành viên và hơn 600 hộ liên kết nhận khoán tại địa bàn huyện Ea Kar và huyện Krông Pắc với tổng diện tích sản xuất gần 700 ha, trong đó cây lúa nước hơn 400 ha. Để chủ động nước tưới cho cây trồng, HTX đã đầu tư kiên cố hóa kênh mương, tổ chức vận hành hiệu quả 4 trạm bơm, 7 tổ máy, bảo đảm điều tiết đủ nước vào đồng ruộng. HTX cũng đã phối hợp với Chi nhánh Thủy lợi Ea Kar, HTX Nông nghiệp Thành Lợi và Công ty TNHH MTV Cà phê 716 xây dựng, triển khai phương án đưa nguồn nước từ các công trình thủy lợi gồm: hồ đội 5 (xã Ea Păl), hồ Ea Gráp, hồ thôn 10, hồ thôn 11 (xã Cư Prông) về sông Krông Pắc để bơm tưới chống hạn, phục vụ sản xuất.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Ea Kar đã gieo trồng được 9.610 ha cây trồng các loại, trong đó nhiều nhất là lúa nước với 6.703 ha. Cây lúa nước đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nên nhu cầu về nước tưới lớn. Chính vì vậy, sau khi chặn dòng Hồ chứa nước Krông Pách thượng, các địa phương, đơn vị có sử dụng nước tưới từ sông Krông Pắc gồm các xã: Cư Bông, Cư Yang, Ea Păl, Ea Ô, Cư Elang, Chi nhánh thủy lợi Ea Kar, HTX Nông nghiệp 714, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ea Păl, HTX Nông nghiệp Thành Lợi, Công ty TNHH MTV Cà phê 716 đã và đang triển khai các phương án, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, máy móc, nhân lực nhằm chủ động chống hạn cho cây. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị đã phối hợp chia sẻ nguồn nước, thống nhất xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; đưa nguồn nước từ hồ Ea Rớt (xã Cư Elang) về sông Krông Pắc để bơm tưới chống hạn; nạo vét cửa lấy nước, kênh mương, dẫn dòng tạo nguồn, khơi thông dòng chảy, tận dụng, khai thác tối đa mọi nguồn nước. Đồng thời, thành lập các tổ điều tiết nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến, phân công trực bảo đảm không để thất thoát nước.

Chi nhánh Thủy lợi Ea Kar bơm nước trả về sông Krông Pắc để bảo đảm phục vụ sản xuất.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea Kar Trần Văn Đông cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp, HTX áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt cho cây lúa và các loại cây trồng cạn, ngành chức năng đã hướng dẫn xây dựng, triển khai phương án chống hạn kịp thời, thường xuyên kiểm tra, quản lý và điều tiết nguồn nước hợp lý, bảo đảm không để xảy ra tranh chấp. UBND huyện cũng đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8, Bộ NN-PTNT tăng cường máy bơm, nâng cao lưu lượng nước hoàn trả về hạ lưu để phục vụ sản xuất. Chi nhánh Thủy lợi Ea Kar tổ chức điều tiết nước từ các công trình về sông Krông Pắc để bơm tưới nước chống hạn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.